Ngôn ngữ học đồng đại chỉ chấp nhận một quan điểm duy nhất: quan điểm của người bản ngữ.
— Ferdinand de Saussure
Nhà ngôn ngữ học Thuỵ Sĩ Ferdinand de Saussure, mà giới ngôn ngữ học châu Âu thường gọi là người cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại , hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu sáng chói này, mặc dầu cũng có những người thấy cần phê phán một số điểm mà họ cho là “thiếu sót”, hay “phiến diện”, hay “duy tâm”.
Dù sao ông cũng là người đầu tiên làm cho ngôn ngữ học trở thành một khoa học thực sự nhờ có được một đối tượng minh xác và một phương pháp luận hiển ngôn. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc xây dựng những nguyên lí cơ bản của cái trào lưu đã cải tạo hoàn toàn cách tiếp cận những đối tượng khảo sát của các khoa học nhân văn: trào lưu cấu trúc luận (structuralism) mà không hiểu tại sao có những người sính thời thượng thấy có thể coi như một hình hệ (paradigm) đã qua cần có thêm một cuộc cách mạng thứ hai do những cách tiếp cận của chính họ thực hiện, mặc dầu những cách tiếp cận tương tự như thế đã ra đời từ ba bốn thế kỉ trước, và trong các phát minh của họ không có lấy một điểm nào phủ nhận giá trị của cấu trúc luận ngôn ngữ học – cái giá trị đã dẫn tới những thành tựu quan trọng trong khắp các ngành khoa học nhân văn.
Trong suốt cả thế kỉ qua, người ta đã viết về Saussure hàng ngàn trang sách, và viết khá kĩ về tất cả những luận điểm độc đáo quan trọng nhất của ông, nhất là về những thế lương phân trứ danh như “năng biểu / sở biểu”, “tính có nguyên do / tính võ đoán” của mối quan hệ này, “ngôn ngữ / lời nói”, “đồng đại / lịch đại”, “trục kết hợp / trục liên tưởng”, “chất liệu / hình thức”, “ngữ trạng / chuyển biến”, v.v. Nhưng hình như chưa có một công trình nào trình bày một cách thật hiển ngôn mối quan hệ logic giữa các thế lưỡng phân này, trong khi đó là một quan hệ nhân quả trực tiếp, gần như cơ giới, hoàn toàn tất yếu, mà lẽ ra phải đập mạnh vào mắt mọi người ngay từ khi đọc lướt qua cuốn Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương.
Hầu hết các tác giả đều lần lượt trình bày đầy đủ từng luận điểm của Saussure, mỗi người theo một trình tự khác nhau, như thể trình bày một danh sách liệt kê tài sản trong đó mỗi vật thuộc về một chủng loại khác nhau.
Thật đáng tiếc là Saussure không nói đủ rõ về mối dây liên hệ logic ấy, sao cho sinh viên của ông có đủ sức chú ý để ghi lại nó một cách hiển ngôn bằng một số lượng câu đoạn xứng đáng với tầm quan trọng của nó. Câu văn hiển ngôn duy nhất mà ta còn có được trong Giáo trình là câu mà chúng tôi làm đề từ trên đây. Có lẽ nó chứa tư tưởng chủ đạo đã làm nảy sinh ra cuộc cách mạng không tiền khoáng hậu của Saussure.
Vậy mối quan hệ đó ra sao? Nó xuất phát từ ý tưởng nào? Nó kéo theo những nhận định nào? Nó cho phép suy diễn thêm những hệ quả nào? Đó là những câu hỏi mà người đọc và học cuốn Giáo trình không thể không đặt ra nếu muốn hiểu thấu đáo nội dung của nó, cũng như hiểu giá trị của những lời khen ngợi và những lời chê bai thuộc đủ mọi phương diện mà người ta đã dùng khi nói về nó.
Trước hết phải nói đến cách định nghĩa ngôn ngữ của Saussure, cội nguồn của mọi luận điểm được trình bày trong cuốn Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương mà ba nhà ngữ học Thuỵ Sĩ Charles Bally, Albert Sechehaye và Albert Riedlinger, với một lòng sùng mộ vô biên, đã cố viết lại cho đúng ý của người Thầy quá cố bằng cách căn cứ vào những cuốn vở ghi chép của các sinh viên được trực tiếp học ông.
Đó là cách dùng định nghĩa được trình bày rải rác trong quá trình đối chiếu và tranh luận với những quan điểm do quá khứ để lại, nghĩa là chưa bao giờ được thiết lập thành một công thức để có thể dẫn nguyên văn, nhưng vẫn đủ rõ để có thể suy ra một cách gián tiếp, mà hoàn toàn chắc chắn, từ tất cả những đoạn văn có mặt trong cuốn Giáo trình :
Ngôn ngữ là một hệ thống dấu hiệu nhiều tầng được người bản ngữ chấp nhận, ghi nhớ, hiểu và sử dụng trong khi giao tiếp với cộng đồng.
Ở đây có ba từ có vai trò quyết định trong toàn bộ lí thuyết của Saussure: dấu hiệu (signe) , hệ thống (système) và người bản ngữ (le sujet parlant).
Về khái niệm “dấu hiệu”, ta đã có một định nghĩa được thừa hưởng từ thời Trung thế kỉ của các nhà Kinh viện (các tu sĩ công giáo, vốn là tầng lớp duy nhất có học thức ở thời đại ấy); đó là aliquid stat pro aliquo (dấu hiệu là một cái đứng thay ( hay đại diện) cho một cái gì khác. Dĩ nhiên, các tu sĩ thời ấy, tuy hiểu đúng nghĩa từ dấu hiệu (signe), và cũng có thể hiểu rằng ngôn ngữ là một thứ dấu hiệu, nhưng đã không thể rút từ đấy ra những điều trọng yếu mà Saussure dùng để xây dựng lí thuyết ngôn ngữ học của mình.
Ngay khi xây dựng định nghĩa của ngôn ngữ, Saussure cũng đồng thời nêu rõ cái điều kiện sine qua non (không có không xong) của cái thực thể kì lạ ấy: Ngôn ngữ chỉ là dấu hiệu đối với người bản ngữ – người hiểu nó và dùng nó – mà thôi, chứ ngoài ra, nó không còn là dấu hiệu đối với ai, đối với cái gì hết. Nói cách khác, nó chỉ là dấu hiệu đối với một chủ thể riêng biệt – cộng đồng của những con người hiểu và dùng nó. Nếu không có cái cộng đồng này, ngay đến cả sự tồn tại khách quan của nó trên cõi đời cũng không còn nữa.
Và đó chính là một đặc trưng kéo theo cả một loạt hệ quả khiến cho ngôn ngữ trở thành một hệ thống khác hẳn những hệ thống gồm những sự vật sinh ra, tồn tại và phát triển một cách tự nhiên trong vũ trụ. Cũng như những sự kiện nhân văn khác, ngôn ngữ chỉ tồn tại nhờ chủ thể của nó.
Nếu đối với các khoa học tự nhiên, đối tượng (hiểu như những vật cụ thể) vốn đã có sẵn trong vũ trụ, và thường thường khoa học chỉ còn phải tìm cho ra những phương pháp miêu tả thật chính xác tất cả những chân lí đã có sẵn ấy, thì đối với một hệ thống dấu hiệu như ngôn ngữ, đối tượng chỉ bắt đầu nảy sinh khi có người bản ngữ với cái quan điểm hoàn toàn chủ quan của họ.
Nếu các khoa học tự nhiên cố tìm cho ra những phương pháp nghiêm ngặt nhất để phản ánh cho thật trung thành sự thật khách quan, và khắc phục, loại trừ cho hết những ảo giác do quan điểm chủ quan đem lại, thì các khoa học nhân văn như ngôn ngữ học lại cần có những phương pháp thật nghiêm ngặt để tìm xem người bản ngữ cảm nhận các sự kiện ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa như thế nào bằng cách bỏ qua, hay ít nhất là khắc phục những dữ liệu vật chất như hình thể, âm thanh, và cả không gian và thời gian nữa, vốn là những sự kiện khách quan. Vì nếu không, sẽ không sao phát hiện và xác định được sự thật trong ngôn ngữ. Ở đây, chính cái mà sinh lí học thị giác và thính giác gọi là ảo giác hay ảo ảnh mới chính là sự thật khách quan mà người bản ngữ trực tiếp cảm nhận và người làm ngôn ngữ học phải ra sức phát hiện. Xin đừng hiểu lầm rằng ngôn ngữ học và các khoa học nhân văn khác là những “khoa học chủ quan”. Khoa học, do chính định nghĩa của nó, chỉ có thể là khách quan. Đối tượng khảo sát của nó bao giờ cũng chỉ có thể là chân lí khách quan, độc lập đối với ý thức chủ quan của con người. Nhưng trong khoa học nhân văn, cái chân lí khách quan ấy chỉ có thể đạt tới khi người ta biết đứng trên quan điểm của con người sống trong (và bằng) cách cảm nhận chủ quan của nó.
Và đó chính là sự phát hiện vĩ đại nhất của những con người như Saussure, đã cải tạo hoàn toàn khoa học ngôn ngữ trong thời đại ta. Và đó cũng là cực cấp trầm trọng của sự ngộ nhận khi người ta phê phán ông là duy tâm vì ông nói rằng “ở đây chính quan điểm tạo ra đối tượng”. Ngày nay, không còn một người nào, dù là duy tâm hay duy vật, lại không thừa nhận rằng câu nói này của Saussure không những hoàn toàn đúng đối với ngôn ngữ học, mà còn hoàn toàn đúng đối với bất kì khoa học nào mà đối tượng khảo sát phải được phát hiện thông qua một thao tác trừu xuất thực sự nhằm gạt ra khỏi tầm quan sát những sự kiện vật chất “khách quan” không có tác dụng đối với nhận thức của con người (chẳng hạn như không có chức năng làm thay đổi nghĩa của từ ngữ hay của câu nói, và do đó không lọt được vào tầm tri giác của người bản ngữ).