Góc sân và Khoảng trời là tập thơ đầu tay của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả viết khi mới 8 tuổi, còn là cậu học sinh học lớp Hai trường làng. Năm 1968 tập thơ đã được xuất bản với số lượng 200.300 cuốn, 5 năm sau, được tái bản với số lượng 50.300 cuốn, có lời giới thiệu của nhà thơ lớn Xuân Diệu. Hơn 30 năm sau, tập thơ đã được tặng Giải thưởng Nhà Nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 của Chủ tịch nước cùng với hai tập thơ khác.
Sau này, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết thêm nhiều thể loại khác như kí, truyện ngắn, tiểu thuyết, chân dung văn học và phê bình văn học… Nhiều tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc khác ra đời nhưng bạn đọc vẫn luôn nhớ tới Góc sân và Khoảng trời.
Tập thơ đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng trên thế giới và tái bản nhiều lần, có năm tập thơ được tái bản đến bốn lần ở các nhà xuất bản khác nhau và cho đến nay sức nóng của nó vẫn không hề giảm…
Tập thơ có giá trị nghệ thuật đặc sắc, thể hiện tình yêu lãnh tụ, yêu quê hương đất nước, con người, yêu thiên nhiên, loài vật và yêu thương những người thân trong gia đình của tác giả Trần Đăng Khoa.
Đọc Góc sân và Khoảng trời, đôi khi chúng ta không nghĩ đó là tư duy của một cậu bé mới 8,9 tuổi. Thơ Trần Đăng Khoa có ý tưởng, cấu tứ rõ ràng và nội dung thể hiện rất sâu sắc.
Có thể chỉ ra rất nhiều bài thơ như vậy. Đầu tiên phải kể đến bài thơ Mưa, sáng tác năm 1967. Dưới con mắt hóm hỉnh của cậu bé Khoa, với thủ pháp nhân hóa tài tình, khung cảnh thiên nhiên trước và trong cơn mưa hiện lên thật sống động, vui tươi, rộn rã: Sắp mưa/ Những con mối/ Bay ra/ Mối trẻ bay cao/ Mối già/ Bay thấp/ Gà con/ Rối rít tìm nơi/ Ẩn nấp/ Ông Trời/ Mặc áo giáp đen/ Ra trận/ Muôn nghìn cây mía/ Múa gươm/ Kiến hành quân/ Đầy đường…
Thế giới hiện lên sinh động, muôn màu muôn vẻ trong từng dòng thơ. Rồi khi mưa ào tới, đất trời mù trắng nước, cả thiên nhiên và con người đều vui mừng, hả hê chào đón cơn mưa.
Được viết năm 1967, bài Cây dừa cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu làm nên tên tuổi của thần đồng thi ca Trần Đăng Khoa. Bài thơ miêu tả cây dừa qua từng bộ phận của nó với sự so sánh rất dí dỏm và sinh động: tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh, thân dừa – bạc phếch tháng năm, quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao, tiếng dừa – làm dịu nắng trưa, vv…
Chính sự so sánh, mô tả độc đáo này khiến cây dừa hiện lên như một con người: đáng yêu, ngộ nghĩnh, gần gũi, thân thiện và đặc biệt thích tâm giao, hòa đồng với thiên nhiên, trời đất. Trong Góc sân và khoảng trời còn rất nhiều bài thơ thú vị khác, thể hiện sự công phu, kĩ lưỡng và ngòi bút điêu luyện trên con đường sáng tạo nghệ thuật của Trần Đăng Khoa. Chính vì thế mà thơ của Trần Đăng Khoa không cũ, nó vẫn tươi mãi, mới mãi trong lòng các thế hệ bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi.
Thông tin về tác giả Trần Đăng Khoa
Trần Đăng Khoa Sinh 1958, quê làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là một nhà thơ, nhà báo, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nguyên là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Giám đốc Hệ Phát thanh có hình VOVTV của Đài tiếng nói Việt Nam, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam[3]. Hiện nay, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp VHNT Hà Nội. Ông cũng là Trưởng Ban Chung khảo, Hội đồng Giám khảo Quốc gia của cuộc thi Viết thư quốc tế UPU tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay, thay cho Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.