Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà hệ giá trị nông nghiệp - nông thôn truyền thống đã được định hình bền vững qua hàng nghìn năm đang phải trải qua những biến động lớn. Sự biến động này bắt đầu diễn ra từ đầu thế kỷ XX với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa do phương Tây mang đến. Sự tiếp xúc và giao lưu với văn hóa xã hội chủ nghĩa từ giữa thế kỷ XX tiếp tục tác động mạnh vào sự biến động này. Quá trình Đổi mới diễn ra từ giữa những năm 1980, và ngay sau đó là sự hội nhập quốc tế một cách tích cực từ những năm 1990, cũng là lúc sự hình thành mạng lưới internet trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã đặt dân tộc và nền văn hóa Việt Nam đứng trước những cơ hội phát triển xưa nay chưa từng có, đồng thời phải đối mặt với những thách thức lớn vô cùng, khiến hệ giá trị truyền thống bị rung động đến tận gốc rễ.
Việc xây dựng một hệ giá trị mới phù hợp hơn, giúp cho quốc gia và dân tộc có đủ khả năng miễn dịch để bảo đảm sự phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa - con người đã trở thành một nhu cầu bức thiết. Theo quy luật phát triển, hệ giá trị mới sẽ tự phát hình thành. Thời gian hình thành càng dài bao nhiêu thì sự đau đớn của quá trình sinh nở càng lớn bấy nhiêu.
Nhận xét dành cho cuốn sách Hệ Giá Trị Việt Nam Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại
"Đề tài là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có tính học thuật cao; có những đóng góp mới về phương pháp nghiên cứu và những khái quát về mặt lý thuyết." - GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương
"Đề tài có cách nhìn hệ thống chặt chẽ nhất quán trong tư duy nghiên cứu thể hiện bản lĩnh của người nghiên cứu về hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại." - GS.TS. Đinh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
"Phương pháp chính được sử dụng là phương pháp hệ thống loại hình. Tác giả đề xuất thêm phương pháp dịch lý tương đối mới mẻ phối hợp thành một phương pháp duy nhất là Dịch lý - Hệ thống - Loại hình. Có thể xem là sự nỗ lực của tác giả trên con đường hoàn thiện phương pháp nghiên cứu." - GS.TSKH. Bùi Văn Ba - Phương Lựu, Nhà lý luận phê bình văn học