Con người không có quyền chọn lựa thời điểm để xuất hiện. Và giữa thế cờ chiến sự rối ren, sự xuất hiện của một người phụ nữ không hề làm “mềm” đi đường nét dữ dội của chiến tranh mà càng tô đậm hơn những góc cạnh sắc buốt của nó.
Nàng - mang danh công nữ. Những tưởng cuộc đời lá ngọc cành vàng tương xứng địa vị thế như tuổi thanh xuân lại trôi qua cùng làn tên mũi đạn. Chàng - anh hùng chân quê.
Tuổi thơ gian khó, bơ vơ trôi dạt, thời thế buộc ràng thành tướng sĩ. Dòng sông con đò đẩy đưa họ gặp nhau... Dưới những rặng dừa phương Nam xanh mướt, một chuyện tình chênh chao chớm nở.
Tuy nhiên ở một mạch ngầm sâu hơn, xuyên suốt hơn 1500 trang tiểu thuyết Hồ Dương không chỉgói gọn trong những yêu thương tình nghĩa cá nhân mà còn gắn chặt với công cuộc phục hưng đế nghiệp của nhà Nguyễn tại Gia Định - mảnh đất rách nát, hoang tàn sau biết bao cuộc binh biến trong ngoài nước.
Thẫm đẫm nhân văn, đề cao trượng nghĩa, bộ tiểu thuyết dã sử Hồ Dương của nữ nhà văn Trường An đã mạnh dạn đưa ra một góc nhìn mới mẻ hơn, toàn diện hơn về cuộc nội chiến khốc liệt Tây Sơn-nhà Nguyễn, cũng như những mất mát khôn tả của những chứng nhân ngày ấy để thống nhất toàn cõi Việt Nam. Họ - những con người được hun rèn trong khói lửa.
Họ – dù là vị chúa thất thế hay anh võ biền nông dân cũng đều chung lý tưởng, chung gánh nặng xã tắc. Cùng nhau, họ viết nên khúc tráng ca bi hùng. Cùng nhau, họ xây dựng non sông này.
Trong những năm tháng đó, ai đúng ai sai không còn quan trọng, chỉ là họ đã không một giây phút nào từ bỏ việc hàn gắn những mảnh vụn của đất đai, con người, màu da... để hồi sinh đất nước.
Hồi sinh để vỗ về sự hi sinh tột cùng của nhưng người đã ngã xuống, để trả lời cho câu hỏi đầy hoang mang của con trẻ trong suốt những ngày tháng đau thương.