Lịch Sử Các Lý Thuyết Truyền Thông - Armand Mattelart và Michèle Mattelart

140.000₫ 175.000₫
Trạng thái: Chỉ còn 299 sản phẩm

Tác giả: Armand Mattelart , Michèle Mattelart

Dịch giả: Hồ Thị Hòa dịch,Trần Hữu Quang hiệu đính

Nhà xuất bản: NXB Khoa Học - Xã Hội

Số trang: 272

Hình thức bìa: Bìa mềm

Ngày xuất bản: 04/2024

Lịch Sử Các Lý Thuyết Truyền Thông - Armand Mattelart và Michèle Mattelart

Histoire des théories de la communication

Từ lâu, truyền thông (communication) vốn là một khái niệm bao hàm rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Giờ đây, sự phát triển của công nghệ và sự chuyên nghiệp hóa các hoạt động càng làm tăng thêm những nội hàm mới cho thuật ngữ vốn đa nghĩa này, đặc biệt là trong thời đại mà người ta xem truyền thông như một biểu trưng của các xã hội trong thiên niên kỷ thứ ba.

Nằm tại giao điểm của nhiều ngành khoa học, các quá trình truyền thông đã thu hút sự quan tâm của nhiều ngành khoa học hết sức đa dạng như triết học, lịch sử, địa lý, tâm lý học, xã hội học, dân tộc học, kinh tế học, chính trị học, sinh học, điều khiển học, và các bộ môn khoa học tri nhận (sciences cognitives). Trong quá trình hình thành, lĩnh vực khoa học xã hội chuyên biệt này vẫn không ngừng bị ám ảnh bởi vấn đề về tính chính đáng khoa học của mình. Điều này đã thúc đẩy bộ môn này đi tìm kiếm những mô hình khoa học, bằng cách tiếp thu những lược đồ thích hợp vốn thuộc về các ngành khoa học tự nhiên thông qua các phương pháp loại suy.

Công trình này ra đời nhằm mục đích phân tích và giải thích sự đa diện và sự bùng nổ của phạm vi nghiên cứu về truyền thông, mà về mặt lịch sử, đã luôn nằm trong sự tranh chấp giữa các hệ thống vật thể và các hệ thống phi vật thể, giữa bình diện sinh học và bình diện xã hội, giữa tự nhiên và văn hóa, giữa các công cụ kỹ thuật và ngôn từ, giữa kinh tế và văn hóa, giữa các nhãn giới vi mô và vĩ mô, giữa ngôi làng và toàn cầu, giữa tác nhân và hệ thống, giữa cá nhân và xã hội, giữa tự do ý chí và các xu hướng quyết định luận xã hội. Lịch sử các lý thuyết về truyền thông chính là lịch sử của những sự giằng co ấy và của những nỗ lực khác nhau nhằm liên kết hoặc không liên kết những cái vế vốn thường xuất hiện dưới dạng lưỡng phân, và đối lập nhị phân hơn là dưới các cấp độ phân tích. Trong các bối cảnh lịch sử khác nhau, bằng những lối diễn đạt khác nhau, những sự căng thẳng và đối kháng này, vốn là khởi nguồn của những quan điểm độc tôn, đã không ngừng diễn ra trong một thời gian dài, và dẫn đến sự hình thành của các trường phái, các trào lưu và các xu hướng.

Chính tình trạng dai dẳng căn bản ấy làm cho bất cứ lối tiếp cận nào quá thiên về tính chất biên niên đối với lịch sử các lý thuyết cũng đều trở nên không có giá trị. Quá trình lúc tiến lúc thoái của các lối đặt vấn đề khác nhau không cho phép chúng ta hình dung diễn trình này theo kiểu tuyến tính. Mặc dù công trình này đi theo một nguyên tắc sắp xếp tối thiểu theo thứ tự xuất hiện của các trường phái, các trào lưu hay các xu hướng, nhưng nó vẫn muốn nhấn mạnh đến tính chất trở đi trở lại của các lối đặt vấn đề nghiên cứu. Có những cuộc tranh luận xa xưa về các đối tượng và các chiến lược nghiên cứu mà trong một thời gian dài người ta tưởng là đã được giải quyết xong, đột nhiên nảy sinh trở lại, đặt lại vấn đề về các phương thức khả niệm và về các quy chế chân lý vốn từng thống trị trong nhiều thập niên. Một trong những ví dụ minh họa rõ nét nhất là sự xuất hiện trở lại mạnh mẽ của nhãn quan dân tộc học vào những năm 1980, khi mà những quan điểm toàn quy [totalisantes] về xã hội lâm vào sự khủng hoảng.

Nếu ý niệm về truyền thông vẫn còn gây ra vấn đề thì ý niệm về lý thuyết truyền thông cũng thế. Ý niệm này cũng là một trong những nhân tố gây nên sự chia rẽ. Trước hết, vị thế và định nghĩa về lý thuyết, cũng giống như trong nhiều ngành khoa học về con người và về xã hội, được hiểu một cách khác hẳn giữa trường phái này với trường phái khác, giữa phái khoa học luận này với phái khoa học luận khác. Hơn nữa, việc gọi tên các “trường phái” cũng có thể gây ra ngộ nhận. Thực vậy, một trường phái có thể dung chứa nhiều nhóm khác nhau và khó mà có được sự đồng nhất mà cái tên của nó có vẻ nhắm đến. Cuối cùng, diễn ngôn về truyền thông thường được nâng lên hàng lý thuyết tổng quát mà không cần biện luận. Những câu nói bóng bẩy của Marshall McLuhan có thể đứng bên cạnh bộ máy khái niệm triết học nặng nề của Jürgen Habermas mà người ta khó có thể nói ai là người đã làm đảo lộn các quan điểm về môi trường công nghệ.

Những học thuyết mang tính thời thượng và những ý tưởng “mì ăn liền” xuất hiện nhất thời được người ta xem như là những lược đồ giải thích chung cuộc, những bài học hạng bậc thầy, mà không hề quan tâm tới những điều khám phá được qua một quá trình tích lũy lâu dài, đầy mâu thuẫn và mang tính chất đa ngành, cũng như không quan tâm tới những tri thức trong lĩnh vực này, và vì thế càng làm tăng thêm ấn tượng về tính phù phiếm của đối tượng nghiên cứu này. Có lẽ rõ nét nhất trong lĩnh vực khoa học này hơn là trong những lĩnh vực khoa học khác, người ta dễ rơi vào ảo tưởng nghĩ rằng mình có thể xóa bỏ sạch trơn quá trình trầm tích ấy, và rằng trong ngành khoa học này, khác với các ngành khác, tất cả đều cần được sáng tạo từ đầu.

zalo