Một bức tranh toàn cảnh về di sản nghệ thuật và thẩm mỹ của Trung Hoa qua 5000 năm lịch sử của tác giả Dương Kỳ - Giáo sư Khoa Lịch sử và Lý luận Nghệ thuật, Học viện Nghệ thuật, Đại học Thanh Hoa. Cuốn sách trải dài từ những tranh vẽ trên đá thời tiền sử đến những bức sơn thủy họa của Vương Hi Mạnh hay các kiệt tác điêu khắc như “Đội quân đất nung” của Tần Thủy Hoàng…
Qua những hình ảnh minh họa 300 tuyệt tác sống động, cùng tên tuổi của 50 nghệ sĩ bậc thầy, khi lật giở từng trang của “Lịch sử Mỹ thuật Trung Hoa”, bạn đọc sẽ được khám phá và thưởng ngoạn hành trình kiến tạo và phát triển của hội họa, điêu khắc, thư pháp và kiến trúc; đồng thời hiểu được bối cảnh văn hóa xã hội của từng thời kỳ đã định hình nên những tác phẩm vượt thời gian, các thủ pháp, tinh thần và mục đích của nền mỹ thuật Trung Hoa.
Cuốn sách trải qua 14 phần với lời mở đầu, lời bạt, nguồn gốc nghệ thuật và 11 chương chính trình bày về mỹ thuật qua các triều đại lớn: Thời Hạ Thương Chu (2070 TCN - 256 TCN), Thời Tần (221 TCN - 206 TCN), Thời Hán (206 TCN - 220), Thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (220 - 581), Thời Tùy Đường (581 - 907), Thời Ngũ Đại Thập Quốc (907 - 960), Thời Tống (960 - 1279), Thời Nguyên (1206 - 1368), Thời Minh (1368 - 1644), Thời Thanh (1616 - 1911), Thời Cận Đại Đến Nay (1840 - Ngày Nay).
Mỹ thuật Trung Quốc có những đặc điểm rất riêng và khác với mỹ thuật Phương Tây. Đặc trưng của các tác phẩm mỹ thuật Trung Quốc là nội dung phong phú, một lời khó diễn tả hết. Có những điểm quan trọng như: Từ tả thực đến tả tâm.
Sự phát triển của mỹ thuật Trung Quốc, xét về mặt thể hiện cảm xúc, đã trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất: theo đuổi hình tự - theo đuổi cái giống về mặt hình thức bên ngoài; Giai đoạn thứ hai: dùng hình tả thần - dùng hình thức để diễn tả thần thái; Giai đoạn thứ ba: tâm họa - khắc họa nội tâm.
Nét tinh túy của hội họa Trung Quốc là khí vận sinh động - nói một cách đơn giản nhất đó là “sống”, tức là sức sống. Có thể nói, nếu không hiểu “khí vận sinh động” thì không thể hiểu được hội họa Trung Quốc. Người Trung Quốc nhìn thế giới bằng tinh thần của sự sống.
Đặc trưng nổi bật của hội họa Trung Quốc là sự gắn kết chặt chẽ với triết học. Triết học Trung Quốc ẩn trong nghệ thuật, nghệ thuật Trung Quốc là sự nối dài của triết học. Trở thành một người tốt với tâm hồn trong sáng là mục đích cao nhất của hội họa Trung Quốc và cũng là mục đích cao nhất của cuốn sách này.
Ngoài ra, cuốn sách còn được thiết kế đặc biệt với áo bìa in bằng giấy nến, có hai mặt gồm mặt ngoài là nội dung bìa ngoài và mặt trong là các tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ đại diện cho từng thời kỳ trong lịch sử Mỹ thuật Trung Hoa.
Cuốn sách này không chỉ dành cho những người đam mê tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật Trung Quốc nói chung, mà còn tìm thấy những ý nghĩa trong triết học Trung Quốc thông qua các tác phẩm.
Thông tin tác giả Dương Kỳ
Dương Kỳ (sinh năm 1935) là Giáo sư Khoa Lịch sử và Lý luận Nghệ thuật, Học viện Nghệ thuật, Đại học Thanh Hoa. Ngoài giảng dạy, ông còn theo đuổi sứ mệnh truyền bá và lan tỏa kiến thức nghệ thuật trong đại chúng thông qua các kênh truyền thông, với vị trí cố vấn nghệ thuật cho chương trình “Quảng trường Văn hóa Thế giới” của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, và là người dẫn chính hai chương trình “Giảng đàn danh sư” và “Giảng đường Văn hóa Trung Hoa” của Đài truyền hình Bắc Kinh.
Tác phẩm nổi bật:
_艺术学概论 (Tạm dịch: Dẫn nhập về Nghiên cứu Nghệ thuật)
_敦煌艺术入门十讲 (Tạm dịch: Mười bài giảng về Nghệ thuật hang động Đôn Hoàng)