Lịch sử tìm huyệt Diện Chẩn trên mặt là công trình phát minh của tôi, do tôi tìm ra khi còn chữa bệnh tại trường cai nghiện ma tuý Bình Triệu, Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Đây không phải là huyệt của Trung Quốc (Trung Y) hay Đông Y (Việt Nam gọi là Y học cổ truyền) mà đây là những phát minh hoàn toàn mới của tôi.
Năm 1979, khi còn châm theo Nhĩ châm (các huyệt vị ở loa Tai) của Y học cổ truyền Đông Phương, bệnh nhân có cảm giác rất đau khi kim vừa chạm vào Tai. Điều này, khiến tôi thương xót bệnh nhân, trăn trở và suy nghĩ phương cách làm sao để họ giảm bớt cơn đau do kim châm. Từ câu nói của người xưa: “Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm”, tôi liên tưởng, suy luận thành câu: “Trong vùng đau phải có điểm không đau” liền thử nghiệm vào lâm sàng và thấy đúng như suy nghĩ của tôi. Sau đó, tôi đã áp dụng trên thực tế lâm sàng và thấy đúng như những điều tôi đã suy nghĩ trước đó. Tôi đặt tên lý thuyết ấy là: “BẤT THỐNG ĐIỂM”.
Năm 1980, khi tôi tình cờ đọc trên trang nhất của một tờ báo mà nay tôi đã quên tên bài báo. Bài báo đó ca ngợi một du học sinh Việt Nam đã học rất giỏi, sau đó đã được Tổng Thống nước đó khen ngợi. Khi ấy, tôi chợt nghĩ tại sao mình không tạo ra một phương pháp gì mới để đi dạy thế giới?, thay vì chỉ đi học xứ người, như thói quen đã có từ lâu của các sinh viên Việt Nam như học ở: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc .v.v. Và sau đó, họ rất hãnh diện vì đã tốt nghiệp ở các nước kể trên. Suy nghĩ ấy đã kích thích tự ái dân tộc trong tôi, nó thôi thúc tôi phải tìm bằng được câu trả lời. Thế là tôi bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu tài liệu về y học. Tôi phát hiện ra Trung y (Y học cổ truyền Trung Quốc) chủ yếu châm cứu trên cơ thể, vùng mặt ít khi được chú trọng và thời đó không có một phương pháp châm cứu riêng ở vùng mặt, chẳng hạn như: Nhĩ châm, Thủ châm mà chỉ có những huyệt liên quan đến đường kinh lạc trên cơ thể. Thông qua các câu ca dao, tục ngữ của Việt Nam như: “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon” hay “Hồng diện đa dâm thủy” hay “Triết yêu tri đại huyệt” hay “Trường túc bất tri lao” hay những từ như Mặt trăng, Mặt trời, gương mặt.v.v. Có thể nói, Gương mặt là bộ phận rất quan trọng đối với con người. Vì thế, tôi chọn Gương Mặt là bộ phận để nghiên cứu.
Buổi sáng, ngày 26.3.1980 là cột mốc thời gian quan trọng đánh dấu công trình phát minh của tôi (sau này tôi chọn là ngày Quốc Tế Diện Chẩn Bùi Quốc Châu) khi tôi tìm ra huyệt số 1 đầu tiên trên Mặt bệnh nhân Trần Văn Sáu bằng lý thuyết tìm huyệt “Bất Thống Điểm” (Điểm không đau) của tôi. Thuyết này là cơ sở để tôi tìm ra tất cả huyệt Diện Chẩn sau này.
Sách “Lịch sử tìm huyệt Diện Chẩn” là kết quả của TÌNH THƯƠNG CON NGƯỜI, sự NHẠY CẢM và TRÍ TUỆ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM. nếu không có tình thương con người bao la thì tôi sẽ không thể tìm được bí quyết tìm huyệt đã nói ở trên. Nhờ lòng thương người và những tư duy đặc biệt mà tôi có ngày hôm nay, để giúp đỡ cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại.
Vì Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp (gọi tắt là Diện Chẩn) là tài sản vô giá của Việt Nam nên tôi muốn Toàn cầu hóa Diện Chẩn Việt Y Đạo hay Nghệ thuật sống Bùi Quốc Châu. Đây cũng là một cách tôi trả ơn cho Tổ Quốc Việt Nam thân yêu chúng ta và trả ơn cho quê hương Vĩnh Long, vùng đất Địa Linh Nhân Kiệt. Nói rộng ra, là cách tôi trả ơn cho nhân loại và trả ơn cho tổ tiên dòng họ Bùi đã xuất hiện trên trái đất này. Dòng họ Bùi Việt Nam là một họ bản địa, có nguồn gốc trên đất Việt từ xa xưa thời các vua Hùng dựng nước (trích tộc họ Bùi trên Wikipedia).
Sách “Lịch sử tìm huyệt Diện Chẩn” sẽ chia ra nhiều tập để dễ cho độc giả theo dõi. Ngoài bộ sách lịch sử tìm huyệt Diện Chẩn tôi sẽ cho ra mắt các sách về lịch sử Đồ hình, Phản chiếu và Đồng ứng trên mặt và toàn thân, lịch sử về các thuyết Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp, lịch sử về dụng cụ Diện Chẩn.v.v.