Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII là một công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc và có giá trị về cấu trúc gia đình truyền thống Việt Nam trong mối quan hệ giữa gia đình với làng và Nhà nước – pháp luật.
Căn cứ khoa học chủ yếu của tác giả là bộ Quốc triều hình luật hay Bộ Luật Hồng Đức, một bộ luật hoàn chỉnh và còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến nay. Bộ luật được xây dựng trong thời Lê sơ, từ triều vua Lê Thái Tổ đến triều vua Lê Thánh Tông và được thực thi cho đến thế kỷ XVII-XVIII, với một số bổ sung và điều chỉnh nhất định. Tác giả đã xác định một hướng nghiên cứu rất cơ bản và đúng đắn là muốn hiểu bản chất xã hội truyền thống Việt Nam phải bắt đầu từ nghiên cứu cấu trúc gia đình. Tác giả nghiên cứu cấu trúc gia đình trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nhất là giữa cha mẹ và con cái, trong mối quan hệ về sở hữu tài sản và quyền thừa kế. Từ gia đình, tác giả mở rộng nghiên cứu những mối quan hệ phức tạp với làng và Nhà nước để khám phá những đặc điểm của xã hội truyền thống Việt Nam trong mối ảnh hưởng và tác động qua lại giữa Nhà nước, pháp luật, hệ tư tưởng Nho giáo với sức sống bền bỉ của truyền thống gắn liền với phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân. Mối quan hệ nhà-làng-nước đó chính là hệ thống cấu trúc nền tảng của xã hội Việt Nam truyền thống.
Công trình nghiên cứu về:
Cấu trúc gia đình truyền thống Việt Nam trong mối quan hệ giữa gia đình với làng và nhà nước - pháp luật.
Cấu trúc gia đình trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình: giữa cha mẹ và con cái; quan hệ về sở hữa tài sản và quyền thừa kế.
Sự khác biệt giữa nguyên lý Nho giáo mà triều Lê nâng lên địa vị thống trị với những phong tục tập quán lâu đời của truyền thống văn hoá Việt Nam.
Trong suốt cả cuộc đời làm khoa học, với 45 năm bền bỉ nghiên cứu, giảng dạy tại các trường Đại học hàng đầu Hàn Quốc như ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Nữ thục Sookmyung, ĐH Hàn Quốc; và giảng dạy tại các trường ĐH nước ngoài như ĐH Oxford (Anh), ĐH Cornell (Hòa Kỳ). Đặc biệt, hiện nay Giáo sư Yu là giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH & Nhân văn, ĐH Quốc gia Việt Nam, Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển.
Trong gần năm thập kỷ qua, Giáo sư Yu luôn dành những tình cảm quý báu đối với Việt Nam nói chung và ĐH Quốc gia Việt Nam nói riêng. Ông được đánh giá là nhà Việt Nam học hàng đầu tại Hàn Quốc. Giáo sư đã tham gia chủ trì nhiều Hội thảo quốc tế về Việt Nam học và xuất bản hàng chục cuốn sách chuyên khảo, công trình khoa học về lịch sử, văn hóa, xã hội, luật pháp Việt Nam, được công bố bằng nhiều thứ tiếng: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Việt... Trong đó có thể kể đến các công trình nghiên cứu tiêu biểu của về Việt Nam như: Lịch sử Việt Nam, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Lịch sử Việt Nam tân biên, Lịch sử & văn hóa Việt Nam truyền thống...