Đọc Nẻo Về Của Ý ta như được thưởng thức một bài thơ tuyệt đẹp, trong bài thơ ấy hiện lên những nét vẽ đầy thơ mộng về cảnh núi rừng, ở trong đó cũng chứa đựng nguồn tuệ giác thâm sâu có được từ chính những trải nghiệm trong cuộc đời thực của tác giả với những nhân vật có thực.
Bằng một ngòi bút nhẹ nhàng, khoáng đạt, đầy yêu thương, tác giả nắm tay ta cùng bước trên những thảm cỏ xanh quanh chân núi rồi từng bước một, cùng ta đi rất thảnh thơi, an lạc theo vòng xoắn ốc lên tới tận đỉnh núi. Trên đường đi ngập tràn những kỳ hoa dị thảo, người bộ hành vừa đi vừa chơi, vừa thưởng thức những vẻ đẹp xung quanh và khi lên tới nơi mới ngỡ ngàng là mình đang ở trên đỉnh núi, vui sướng, khỏe nhẹ và bình an.
Đọc Nẻo Về Của Ý ban đầu ta thấy thích thú với những chuyện kể đời thường, vừa bình dị vừa sống động và dí dỏm. Qua những cái bình dị đời thường ấy, tác giả đã chỉ cho ta thấy ánh sáng chói ngời của chân lý tối thượng.
Cuốn sách này sau khi được cô Mobi Warren dịch ra tiếng Anh đã được các độc giả Tây Phương đón nhận một cách nồng nhiệt. Chỉ trong vòng năm năm, từ khi cuốn sách được dịch ra tiếng Anh, nó đã được dịch ra 12 thứ tiếng khác, tính đến nay nó đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Cô Rachel Neuman, biên tập viên của nhà xuất bản Parallax, trong lúc ngồi trên máy bay từ New York tới San Francisco đã đọc hết bản dịch của cuốn Nẻo Về Của Ý và nói đây là tác phẩm cô yêu thích nhất của tác giả Thích Nhất Hạnh.