Cuốn sách Cầm-Kỳ-Thi-Họa... của tác giả Toan Ánh, Sách Khai Phóng mong được cung cấp cho người đọc những hiểu biết cần thiết về cội nguồn của dân tộc, về những phong tục, tập quán, lễ nghĩa phong hóa xưa nay của ông cha ta.
Biết những điều tốt đẹp, nhận chân giá trị đích thực những gì thuộc về văn hóa cổ truyền, những cái hay, cái lạ của ông cha từ thời mở nước và giữ nước đặng gìn giữ những vốn quý hay, lạ, hợp lẽ đời, để đối nhân xử thế đầy nhân hậu, yêu thương và đồng cảm giữa người với người trên quê hương Việt Nam.
Với tác phẩm Nếp Cũ:Cầm-Kỳ-Thi-Họa, tác giả gởi đến người đọc những giá trị tinh thần của người Việt xưa thông qua 4 hình thức là cầm (gảy đàn), kỳ (đánh cờ), thi (làm thơ), họa (vẽ). Tác giả đã ghi hết được những đại cương về cầm ca, thi họa của ta từ thời cổ cho tới trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã nhắc qua nhạc lý như lục kỵ, thất bất đàn, và giới thiệu nhiều giọng ca trí thức và bình dân, trong đó phải kể: hát hò đưa, hát chăn trâu, hát ru em, hát ví, hát quan họ, hát dặm, hát trống quân... Tương tự với đánh cờ là một thú vui tao nhã, cao thượng, ở nước ta, chỗ nào cũng có bàn cờ, giới nào cũng có người ham đánh cờ.
Với làm thơ gồm vịnh, ngâm, họa, câu đối, chơi chữ, thi ca biến thể cũng được tác giả trình bày công phu, đầy đủ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát một thể loại văn chương mang giá trị giải trí, gởi gắm nỗi lòng của nhân dân ta.
Riêng với họa gồm: Tranh thủy mặc, tranh màu, tranh bình dân, tranh tết, trang trang trí, nghệ thuật in tranh, bồi tranh từ thời xa xưa với các làng nghề cũng được tác giả trình bày cặn kẽ, giúp độc giả có cái nhìn rộng rãi hơn về một loại hình nghệ thuật tương đối ít phổ biến ở nước ta thời xưa.