Tư duy ngược dòng là gì vậy? Chúng ta – hầu hết cứ tưởng rằng: Tư duy ngược dòng là sẽ đi ngược lại với vấn đề. Nhưng KHÔNG. Đọc Nghệ thuật tư duy ngược dòng, Humphrey B.Neil, tác giả của cuốn sách, tiết lộ rằng Chúng ta có thể tư duy và hoàn thiện bản thân, tác phẩm của ông nhắc nhở chúng ta rằng khi “nghiền ngẫm” và đào sâu vào tính biến động, chúng ta sẽ cảm nhận tốt hơn thông qua việc hiểu thấu đáo sự thoái trào và dòng chảy của tư duy nhóm cũng như tâm lý đám đông. Tức là, chúng ta cần phải suy xét một vấn đề theo nhiều khía cạnh, cả mặt tốt lẫn mặt xấu để hoàn thiện thông tin chúng ta cần cho một giải pháp. Cần phải nhấn mạnh rằng, Neil coi tư duy ngược dòng là “nghệ thuật” chứ không phải một ngành khoa học.
Xuất hiện với một trang bìa vô cùng giản dị nhưng triết lý nhân sinh mà nó đem lại lại vô cùng to lớn. Để rồi khi chúng ta gấp lại cuốn sách, chúng ta phải suy ngẫm về từng câu nói, từng triết lý để đời.
Albert Einstein từng nói rằng: “Tôi không hề có tài năng gì cả. Tôi chỉ vô cùng tò mò”. Thật vậy, việc đặt ra nhiều câu hỏi cho một vấn đề ngay cả khi mọi người cho rằng điều đó là đúng đang khiến bạn dần trở nên có tư duy, và là “gốc rễ” của tư duy ngược dòng. Hãy xem xét cách đặt câu hỏi ngược lại của các nội dung tuyên truyền đang rất phổ biến ngày nay: Các lý do căn nguyên, không chỉ là những từ ngữ đơn thuần trong các bài diễn văn, công báo hay bài báo mà chúng ta phải tìm. Tại sao thông điệp đó được lan truyền? – chứ không chỉ đơn giản là cái gì nằm trong thông điệp đó. Thẳng thắn mà nói, người ngược dòng phải luôn hoài nghi khi phân tích các nội dung truyền thông.
Đôi khi, chúng ta phải gạt bỏ những suy nghĩ và lo lắng về thị trường sang một bên. Khi loại bỏ được, chúng trở nên nhỏ bé và mất đi đặc tính quấy nhiễu chúng ta…
Chúng ta phải học cách gạt bỏ để nhận ra rằng biến động thị trường không phải là tất cả những gì quan trọng trong cuộc sống.
Hãy bước vào các cửa hiệu sách và quan sát một lượt, xem chúng có những gì giống nhau? Phần lớn không gian cửa hiệu đều là một lượng lớn sách Dạy-làm-giàu. Chúng ta ngày nay đang bị ám ảnh bởi đồng tiền, ám ảnh vào việc làm sao để trở nên giàu mà dường như chúng ta đang yếu dần khi xét về phương diện xây dựng và bảo vệ sự giàu có (điển hình là cuộc Đại suy thoái năm 2008). Thay vì quá quan tâm vào những bí mật mà các cuốn sách hứa sẽ tiết lộ những gì mà các bậc thầy hay chuyên gia về tiền bạc đã thực hiện. Tại sao chúng ta không tự hỏi có khó không để chọn cho mình một con đường đi riêng?
Nghệ thuật tư duy ngược dòng
Nghệ thuật tư duy ngược dòng có thể được hiểu là việc đưa tư duy của bạn thoát ra khỏi lối mòn. Nói cách khác, hãy trở thành người bất tuân khi tư duy. Có một câu nói dễ nhớ chúng ta có thể biết tới đó là: “Khi mọi người nghĩ giống nhau, nhiều khả năng tất cả đều sai”, và một ý tưởng thứ hai được đưa ra từ Neil: “Nếu không muốn phán đoán sai, hãy học cách tư duy ngược dòng”.
Cuốn sách làm tôi nhớ đến cuốn Tư duy Nhanh và Chậm của Daniel Kahneman. Thực ra não bộ của chúng ta có hai hệ thống. Hệ thống 1 là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, cảm tính, rập khuôn và tiềm thức; còn hệ thống 2 là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi phải nỗ lực, logic, tính toán và ý thức. Nếu như hệ thống 1 quen với những điều quen thuộc, giản đơn; hay cái mà chúng ta vẫn thường nghĩ là suy nghĩ bằng trái tim thì hệ thống 2 sẽ chịu trách nhiệm cho việc suy nghĩ thấu đáo, tư duy logic. Mọi người thường có xu hướng sử dụng hệ thống 1 nhiều hơn hệ thống 2, và đó là lý do vì sao mà họ thường sai. Nhưng ở cuốn sách Nghệ thuật tư duy ngược dòng, Humphrey B. Neil không chỉ đưa ra cho chúng ta những lời khuyên mà còn có cả những bài học, dẫn chứng để chúng ta có thể tư duy ngược chiều ngay trong cuốn sách bởi theo Neil, nghệ thuật tư duy ngược dòng chính là việc xây dựng thói quen nhìn nhận vấn đề từ tư duy hai chiều xem điều gì có nhiều khả năng xảy ra hơn – cuối cùng sẽ đi đến kết luận chính xác.
Trước khi bắt đầu
Về căn bản, mục đích của tư duy ngược dòng là thách thức các quan điểm được số đông chấp nhận về xu hướng thịnh hành trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Tóm lại, chúng ta có thể hiểu là để tranh luận về các quan điểm phổ biến, bởi chúng thường xuyên lỗi thời, lệch hướng (do tuyên truyền) hoặc đơn giản là sai lầm.
Theo tác giả, những đặc tính của con người khiến lý thuyết quan điểm ngược dòng trở nên hiệu quả gồm: thói quen, tập quán, bắt chước, lan truyền, sợ hãi, cảm xúc, lòng tham, hy vọng, cả tin, nhạy cảm, cáu gắt, bảo thủ, mơ tưởng, bất đồng, tự phụ.
Và rồi cùng với đó là những dẫn chứng có thật trong lịch sử đã được tác giả đưa ra giúp chúng ta hiểu thêm về nghệ thuật tư duy ngược dòng. Ví dụ như Hội chứng hoa Tulip – Một trong những bong bóng kinh tế gây chấn động lịch sử xảy ra tại Hà Lan vào thế kỉ XVII; hay như bong bóng cổ phiếu South Sea và quả bom nhà đất Florida.
Nhưng, Humphrey B.Neil cũng mong rằng, chính chúng ta cũng sẽ suy nghĩ và tư duy thấu đáo về những gì tác giả trình bày hay chính chúng ta hãy góp phần “hoàn thiện cuốn sách” bằng cách thoải mái bổ sung quan điểm của chính mình vào dòng suy nghĩ của tác giả.
Phần 1: Ngược dòng sẽ có lợi
Nhà thơ - nhà triết học vĩ đại Gothe từng viết:
Tôi ngày càng hướng về phía thiểu số vì bên đó luôn khôn ngoan hơn.
Thắng thắn mà nói, động lực đưa tác giả đến với hành trình xây dựng lý thuyết quan điểm ngược dòng chính là sự thất vọng và vỡ mộng mà bất cứ ai muốn tìm cách đánh bại thị trường chứng khoán đều gặp phải.
Neil đã lấy dẫn chứng về một đợt suy thoái sau chiến tranh. Suy nghĩ của số đông về “suy thoái” đã trở thành nỗi ám ảnh. Hậu quả là các doanh nghiệp, do luôn hoảng sợ và e ngại nên đã luôn chơi phòng thủ. Nhưng sự thật là, nhu cầu của người dân đối với các loại hàng hóa trở nên lớn đến mức hình thành lạm phát khiến mọi người chi tiền không cần nghĩ. Kết quả là việc kinh doanh trở nên thuận lợi, nói chính xác hơn thì là bùng nổ. Tác giả đã lấy những sự kiện có thật trong lịch sử để chứng minh rằng: Khi mọi người nghĩ giống nhau, nhiều khả năng tất cả đều sai.
Sự khác biệt cơ bản giữa đám đông và cá nhân là: một cá nhân có thể hành động sau khi lập luận và phân tích còn đám đông lại luôn hành động theo cảm tính và cảm xúc. Đám đông luôn tuân theo “lãnh đạo” hoặc theo những gì mà họ cho là hành động của các nhà lãnh đạo.
...
Bởi đám đông không suy nghĩ mà hành động theo cảm tính nên quan điểm của đám đông thường xuyên sai lầm.
Để phân tích cho việc đám đông tư duy bằng hình ảnh, và chính những hình ảnh đó ngay lập tức gợi lên một loạt hình ảnh khác; một ví dụ nữa lại được tác giả đưa ra rằng là khi có tin đồn về sự thiếu hụt cà phê, phụ nữ đồng loạt đều đến các cửa hàng để mua cà phê về tích trữ với số lượng lớn. Thế nhưng họ lại chẳng chịu dừng lại dù chỉ một phút để nghĩ rằng cà phê sẽ bị hỏng nếu để quá lâu. Đây là một trong những ví dụ điển hình đã được tác giả đưa ra về hành vi của đám đông. Chúng ta có thể thấy, sức mạnh tác động kích hoạt là động lực thúc đẩy đám đông.
Vậy là số đông luôn sai?
Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất về lý thuyết quan điểm ngược dòng. Hơn cả việc sẽ trả lời trọng tâm câu hỏi, Humphrey B. Neil đã thay đổi vài từ trong câu hỏi. Và câu hỏi mới đó là: Có phải số đông luôn sai vào mọi thời điểm?
Câu trả lời được đưa ra là Không. Có lẽ số đông đúng nhiều hơn sai, họ đúng trong suốt xu hướng nhưng sai ở cả hai đầu quá trình – thời điểm bắt đầu và kết thúc xu hướng.
Sử dụng lý thuyết ngược dòng có khó không?
Rõ ràng đây là một câu hỏi hóc búa, bởi lý thuyết này khá trừu tượng. Vì vậy, Neil sẽ chỉ trả lời rằng nếu ai đó có thể hình thành thói quen tư duy “ngược dòng” với đám đông, người đó sẽ thường nghĩ đúng nhiều hơn sai.
Nhưng, cũng phải thừa nhận rằng lý thuyết này thật khá phức tạp bởi trước hết, ngược dòng với quan điểm chung là đi ngược với phản ứng tự nhiên của con người. Thứ hai, khi bạn thảo luận với người khác về quan điểm ngược dòng, họ thường thể hiện sự bất đồng một cách gay gắt. Và cuối cùng, việc chứng minh cho nhận định của bạn thường tốn rất nhiều thời gian. Điều đó làm lung lay niềm tin, và như Neil đã nói, bởi bạn đã bắt đầu lo sợ những quan điểm ngược dòng là sai. Có thể nói, trở nên ngược dòng là một cuộc chiến vô cùng khó khăn. Vậy nên, tác giả đã đưa ra một câu trích dẫn của Francis Bacon vào tác phẩm của mình, và đó cũng là lời khuyên hữu ích cho chúng ta: “Hãy nghi ngờ mọi thứ trước khi bạn tin bất cứ điều gì! Hãy cẩn trọng với các thần tượng của mình!”
Phần II: Các bài luận về lý thuyết quan điểm ngược dòng và nghệ thuật tư duy ngược dòng
Thói quen
Thói quen – đối với Neil là một ảnh hưởng lớn tới tư duy ngược dòng. Bởi, theo một cách tự động, chúng ta luôn bị thúc đẩy phải suy nghĩ, cảm nhận hay thực hiện những việc mà mình đã quen suy nghĩ, cảm nhận và thực hiện trong các trường hợp tương tự, mà không ý thức được mục đích hay dự án kết quả. Chính vì vậy, các thói quen đã đẩy tâm trí ta vào sự lạc hậu. Tóm lại là, khi nghiền ngẫm về một hành động đám đông, chúng ta không chỉ cần cân nhắc về các thói quen suy nghĩ của đám đông mà còn là của chính chúng ta nữa.
Khi nào thì không có quan điểm của công chúng?
Khi tất cả đều thờ ơ với một vấn đề cấp thiết, chắc chắn vấn đề đó rất quan trọng đối với mọi người.
Vậy làm thế nào để bạn có tư duy ngược dòng khi bạn không có quan điểm nào?
Mấu chốt ở đây là: Khi sử dụng quan điểm ngược dòng, chúng ta đang cố gắng ước tính các xu hướng chứ không chỉ tập trung đánh giá các quan điểm. Bởi vậy, nếu nhân tố kinh tế nào đó tác động lên xu hướng nhưng không nhận được sự quan tâm của công chúng, chúng ta vẫn phải cân nhắc đến nó – bởi công chúng sẽ phản ứng với kết quả.
Dưới đây là một ví dụ mà Neil đã chỉ ra cho chúng ta:
Muốn giới hạn nguồn cung, hãy làm cho tiền khan hiếm và đắt đỏ.
Hoặc:
Đồng tiền giá trị thấp khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ. Lạm phát.
Có phải, chúng ta cân nhắc các kết luận dựa trên nhân tố sản xuất, tốc độ tiền lưu hành,… nhưng cái chính vẫn là, tiền là gốc rễ của giá cả.
Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng để chúng ta quen với việc tư duy ngược dòng, và từ đó chúng ta cũng hiểu hơn về về cái cách tư duy ngược dòng của ông.
Luật bất bình đẳng toàn cầu
Cuốn sách Nghệ thuật tư duy ngược dòng không chỉ giúp chúng ta làm quen với việc tư duy ngược dòng mà còn giúp chúng ta hiểu hơn về nền kinh tế, xã hội và chính trị - đó là những dẫn chứng, cột mốc đáng nhớ đã xảy ra trong lịch sử.
Tác giả đưa ra một dẫn chứng điển hình về quy luật Pareto, khi mọi người đều nghĩ rằng: Ai mà chẳng biết số người nghèo lớn hơn số người giàu cả triệu người; thì Humphrey B. Neil đã phân tích và chỉ ra rằng các quốc gia có tầng lớp giàu có đông đảo nhất thì mức thu nhập của toàn thể nhân dân cũng cao nhất. Nói rõ hơn thì là sự sụt giảm của nhóm người có mức thu nhập cao sẽ khiến mức sống của các nhóm phía dưới bị thấp đi.
Và trong cuốn sách Nghệ thuật tư duy ngược dòng này, còn rất nhiều, có thể nói là vô số những bài học và dẫn chứng đã được tác giả đưa ra; như việc chúng ta hãy đặt câu Cái gì đúng? thay vì Cái gì sai?; Hay còn là Phong trào thủy triều; “Chủ nghĩa trung lập” trong các ghi chép kinh tế và Trở nên ngược dòng: Đừng phủ nhận chúng ta mang sứ mệnh cứu rỗi;…
Như Jefferson đã nói: “Chúng ta không bao giờ được phép thất vọng về Khối thịnh vượng chung… Một chút kiên nhẫn, và chúng ta sẽ thấy kỉ nguyên phù thủy chấm dứt… và con người sẽ xây dựng lại viễn cảnh thực sự của họ, phục hồi chính phủ theo các nguyên tắc thực sự!”
Và đó cũng chính là niềm tin đã đưa Humphrey B. Neil có thể hoàn thành xuất sắc một tác phẩm như vậy.
Lời kết:
Có thể nói, cuốn sách mà tôi đang cầm trên tay không phải là một tác phẩm dạy-làm-giàu đang “ăn xổi” trên thị trường sách báo ngày nay. Và chính Neil cũng phải thừa nhận rằng ông sẽ không viết một cuốn sách dạy cách-đánh-bại-thị-trường. Đây sẽ không là cuốn sách mà khi bạn đọc tới trang cuối, bạn có thể hiểu được luôn cả cuốn sách mà đây sẽ là cuốn sách mà khi bạn đọc xong, gấp sách lại; bạn sẽ cần phải có thời gian để suy ngẫm, tư duy, nhìn nhận sự việc một cách khách quan, đa chiều. Và đây chắc chắn sẽ là cuốn sách “gối đầu giường” của tôi mỗi ngày.