Tinh mệnh học là một học thuyết thời cổ đại, chuyên nghiên cứu xu thế mệnh vận của con người, còn gọi Tinh mệnh thuật, gọi tắt là Mệnh học. Người xưa cho rằng mệnh vận của con người có liên quan đến các tình huống vận hành, vị trí của các thiên thể vào lúc người đó sinh ra. Việc lưu truyền thịnh hành quan niệm tin vào mệnh là tư tưởng cơ sở đặt nền móng cho sự sản sinh và phát triển Tinh mệnh học.
Sự ra đời và phát triển của học thuyết Âm dương ngũ hành, cho đến các môn thiên văn số thuật khác là những điều kiện chuẩn bị cho sự xuất hiện của Tinh mệnh học.
Có thể nói, Tinh mệnh học đã có vào đời Hán, nhưng chính thức xuất hiện là vào đời Đường. Khoảng sau thời kỳ Lục Triều đã hình thành hệ thống thuật toán mệnh ngũ tinh căn cứ vào lịch pháp tinh tượng. Khoa số thuật này khá thịnh hành vào đời Đường, và làm cho thuyết mệnh lý trở nên phức tạp. Sau thời kỳ Lục Triều, bắt đầu thịnh hành cùng lúc với thuật toán mệnh ngũ tinh còn có một khoa toán mệnh khác lấy thuyết Âm dương ngũ hành để làm căn cứ phát triển.
Đến đời Đường, nhà mệnh lý học Lý Hư Trung đã mang khoa số thuật này ra hệ thống hóa, lý luận hóa, khiến cho nó trở thành một môn số thuật lấy can chi của năm, tháng, ngày sinh của một người để tính toán ra mệnh số thọ yểu, quý tiện, lợi hay bất lợi đối với người đó. Từ đây Tinh mệnh học tách ra làm hai hướng phát triển riêng biệt, đó là khoa mệnh lý Tứ Trụ và khoa mệnh lý Đẩu Số. Khoa mệnh lý Tứ Trụ thì thịnh hành trong giới Nho sĩ; còn khoa mệnh lý Đẩu Số thì được lưu truyền trong giới Đạo sĩ, Đạo gia.
Ở Việt Nam, sách viết về Tinh mệnh học có khoảng vài chục cuốn, nhưng đều chỉ là những công trình nhỏ, phần lớn là sao chép lẫn nhau và ít tham khảo tận nguồn, vì vậy không thể giúp độc giả có được cái nhìn toàn diện, đồng thời đủ cơ sở để biện biệt đúng sai.
Sách này là sự tổng hợp của nhiều nguồn tư liệu, nhằm giới thiệu với quý bạn đọc học thuyết cổ xưa và thần bí này một cách có hệ thống hơn.