“Đây là câu chuyện về một bông sen lộng lẫy mọc lên từ ao bùn - bùn của nghèo đói, phân biệt chủng tộc, chấn thương di truyền, trầm cảm - với sức mạnh và sự rạng rỡ trong cách kể chuyện của cô… Đây là cuốn sách mang lại cho chúng ta ánh sáng.”
- Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.
“Dõi theo những con đường của sự di cư và nghèo đói, cuốn hồi ký đầy cảm động và dễ đọc của Ly Tran là một tổng hòa giữa sự đau lòng, sốc và cả những hy vọng… Cô đã xuất sắc trong việc kể câu chuyện của mình một cách trung thực và không có thành kiến.”
- Booklist
Nhà Tranh - Cuộc đấu tranh để tìm ra giọng nói của mình giữa những kỳ vọng văn hóa xung đột.
“Nhà tranh” là một cuốn hồi ký chân thực và cảm động được chấp bút bởi chính tác giả Ly Tran (Trần Kỳ Lý), một cô gái gốc Việt – Hoa, kể lại hành trình trưởng thành và ổn định cuộc sống sau khi di cư sang Mỹ cùng với gia đình.
Vào năm 1993 khi Ly Tran mới chỉ là một đứa trẻ, thông qua một chương trình nhân đạo do chính phủ Mỹ thực hiện, cô đã cùng bố mẹ và ba người anh trai rời khỏi thành phố nhỏ dọc theo đồng bằng sông Cửu Long đến quận Queens, New York để tái định cư.
Khi cả gia đình sang Mỹ, họ phải vật lộn với một cuộc sống mới giữa vô vàn khó khăn và thực tế không giống như “giấc mơ Mỹ” đã từng tưởng tượng. Cả gia đình thiếu thốn chỗ ở, ăn uống và không được chăm sóc y tế, có lần Ly Tran từng gặp nguy hiểm đến tính mạng do chịu lạnh vì không có đủ quần áo ấm. Cuộc sống của cô phải chịu nhiều giằng xé giữa đức tin Phật giáo của bố mẹ, nguồn cội, kế sinh nhai của gia đình, sự bất đồng văn hóa, áp lực học hành,…
Bố của Lý từng là một tù nhân chính trị, bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Chính vì lẽ đó, mọi suy nghĩ và hành động của ông đã tác động nhiều đến tâm lý cũng như sự trưởng thành của những đứa con. Trong những ngày tháng còn đi học, thị lực của cô dần kém đi và trong lòng luôn khao khát được đeo kính thuốc, nhưng người bố lại cho rằng kính là một chiêu trò chính trị và cấm cô sử dụng nó. Mãi cho đến khi trưởng thành, ông mới thay đổi nhận thức và chấp nhận cuộc sống hiện thực, yêu thương con cái một cách đúng đắn và bớt ám ảnh về quá khứ hơn.
…
Hồi ký của Ly Tran được nhiều độc giả đánh giá là một tác phẩm độc đáo trong số những câu chuyện của người Mỹ gốc Việt. Cô không tập trung kể về việc giải thoát bản thân khỏi quá khứ của cha mẹ, mà thay vào đó, cô thấu hiểu sâu sắc, không muốn rời xa khỏi nỗi đau của họ. Bên trong cô là sự đồng cảm với hội chứng căng thẳng hậu chấn thương của người bố và sự thụ động của mẹ - được gây ra như một cơ chế đối phó với một người chồng bất ổn tâm lý và những phong tục văn hóa kỳ thị phụ nữ. Từng bước hiểu rõ hơn về gia đình, trường lớp, cuộc sống trên đất Mỹ, cô ngày càng trưởng thành hơn trong cách sống và suy nghĩ của chính mình.
“Nhà Tranh” không chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký phác họa chân dung cuộc đời và hành trình trưởng thành của một cô gái trẻ, mà đó còn là cuộc đấu tranh để tìm ra giọng nói của mình giữa những kỳ vọng văn hóa xung đột.