Đúng như tên sách, cuốn sách giúp cho người học nhạc cảm thấy nhẹ nhàng, thư giãn… chứ không căng thẳng như một số bạn trẻ mỗi khi nhắc đến việc học nhạc lý. Đã học nhạc thì vui mới học, mà học nhạc cũng là để cho vui.
Không ít người rất thích học guitar, thổi harmonica, chơi chút piano. Nhưng họ lại rất sợ… nhạc lý. Môn nhạc lý không đến nỗi đáng sợ như thế, nhưng lại mang một “nỗi oan Thị Kính”. Người ta sợ nhạc lý, khiến bỏ ngang giấc mộng ôm cây đàn nghêu ngao những tình khúc. Từ đó, biết đâu một tài năng của nhân loại đã bị vùi dập ngay cửa ngõ đầu tiên bước vào ngôi nhà nghệ thuật.
Từ những câu chuyện, kinh nghiệm trong thực tế, Tiến sĩ Âm nhạc học Nguyễn Bách đã bỏ công biên soạn cuốn sách NHẠC LÝ VUI để phổ biến nhạc lý – lý thuyết âm nhạc cho mọi đối tượng thuộc mọi lứa tuổi. Nội dung cuốn sách không đặt trong cấu trúc chương, bài, mục như thường thấy ở những cuốn sách giáo trình. Tác giả đã giới thiệu theo những đề mục độc lập. Cách làm này giúp người sử dụng tìm ngay đến cái mình cần. Tiến sĩ Nguyễn Bách không trình bày các vấn đề lý thuyết âm nhạc quá cặn kẽ trong cùng một hay nhiều mục liền nhau, theo kiểu “đã nói thì phải nói cho hết”.
Thay vào đó, có những vấn đề được tách rời để giới thiệu trước – sau, ở những phần khác nhau của sách nhằm tránh sự phức tạp cho người mới tiếp xúc với âm nhạc và đem lại sự tiếp thu thoải mái nhất, hiệu quả nhất cho người học. Cách trình bày này có thể còn xa lạ với độc giả Việt Nam nhưng đã được nhiều trường nhạc danh tiếng trên thế giới áp dụng.
Trong NHẠC LÝ VUI, những vấn đề nhạc lý phức tạp được trình bày theo cách đơn giản nhất, “vui” nhất, đáp ứng tối đa nhu cầu học nhạc của độc giả chứ không nhất thiết phải theo trình độ từ thấp đến cao.