Tác phẩm “Nhật ký trong tù” là tập thơ gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ tại Túc Vinh, Quảng Tây, khi Người sang Trung Quốc công tác với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam. Và từ đây bắt đầu hành trình 13 tháng đầy gian nan, cực khổ trải qua 18 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong những tháng ngày đó (tháng 8/1942 – tháng 9/1943), Người đã sáng tác tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù).
Tập thơ phản ánh một cách chân thực về chế độ nhà tù và một phần xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Nhà tù là nơi diễn ra nhiều tệ nạn (đánh bạc, buôn bán, hối lộ…), với bao bất công, ngang trái, đày ải, áp bức người dân trong cảnh khốn cùng. Mỗi bài thơ trong tập nhật ký là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Đó là lòng yêu nước thiết tha, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong được trở về hòa mình vào cuộc chiến đấu của đồng chí, đồng bào. Tình yêu thương bao la, vô bờ bến của Người không chỉ dành cho mọi kiếp người, không phân biệt giai cấp, dân tộc mà còn là tình yêu thiên nhiên, hòa mình vào muôn cảnh vật. Toát lên từ toàn bộ tập nhật ký là một tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, sức mạnh tinh thần lớn lao đã đưa Người vượt qua đày ải, ngục tù, đến với ngày tự do, trở về Tổ quốc thân yêu, lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tác phẩm đã trở thành bảo vật quốc gia của Việt Nam, được bạn bè quốc tế ngợi ca và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.