Một tiêu chuẩn người hoằng pháp giảng giải giáo pháp cho mọi người cần đáp ứng ba tiêu chí sau, đó là phải khế lý, khế cơ và khế thời. Khế lý là giảng giải làm sao cho người nghe hiểu được chân lý một cách chính xác, tránh sự ngộ nhận sai lầm đối với chân tướng sự thật. Khế cơ là phải phù hợp với trình độ, căn cơ và hoàn cảnh của mỗi người. Khế thời có nghĩa là tùy vào mỗi thời đại mà các giáo lý, các khái niệm Phật học cần được diễn giải dưới những hình thức khác nhau, tùy theo mức độ phát triển nền tri thức của nhân loại thời kỳ đó, như vậy mới giúp cho Phật pháp trở nên gần gũi và dễ tiếp nhận hơn. Do vậy mà trong Phật pháp hình thành thêm bộ luận tạng, là những trước tác của người đời sau tùy vào thời đại của mình mà có những ngôn từ và cách trình bày khác nhau, nhằm giúp cho giáo lý và các khái niệm trong kinh Phật trở nên dễ hiểu và gần gũi với người ở thời đại đó.
Thời đại ngày nay chính là thời đại của khoa học kĩ thuật, con người gần như tin tưởng khoa học một cách tuyệt đối và áp dụng khoa học vào trong mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục, v.v.. Mặc dù, nhờ có các nhận xét, đánh giá của các nhà khoa học danh tiếng về Phật giáo, cũng như nhờ các phương tiện truyền thông giúp sức làm nhiều người hiểu rõ hơn về Phật giáo, giúp hầu hết mọi người không còn cho rằng Phật giáo là dành cho những hạng người bi quan yếm thế nữa, nhưng đa số vẫn chưa hiểu đúng về Phật giáo. Đó là xem Phật giáo như là những tôn giáo thông thường, xem Phật, Bồ tát như là thần linh có thể ban phước giáng họa cho con người. Khá hơn thì xem Phật giáo như là một nền giáo dục văn hóa đạo đức, giáo dục nhân quả giúp con người có được sự an vui và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. May mắn hơn nữa thì tiếp cận được con đường tu hành giải thoát của Phật giáo, nhưng đa số cũng chỉ dừng lại ở mức học thuật, học vấn là chủ yếu, chứ vẫn chưa đủ sức thắng được sự hấp dẫn, sự cám dỗ của thời đại vật chất như hiện nay. Thời đại hiện nay là thời đại của dục vọng, là thời đại mà vật chất lên ngôi. Căn nguyên sâu xa chính là nhờ sự hỗ trợ của khoa học, đã giúp con người dễ dàng tạo ra đủ các loại đồ vật cũng như là đủ các loại phương tiện để thỏa mãn những dục vọng của mình. Điều này khiến cho người học Phật thời nay dù có tin tưởng, dù có ngưỡng mộ những lời Phật dạy, nhưng trước những cám dỗ như của thời đại hiện nay cũng khó mà cưỡng lại được.
Khoa học ra đời đã giúp cho nhân loại giải thích được rất nhiều hiện tượng trong tự nhiên, phá bỏ được nhiều hủ tục mê tín dị đoan, giúp con người làm được những điều phi thường mà trước kia không thể làm được, hoặc giúp cho những kẻ phàm phu như chúng ta có thể tin chắc vào sự tồn tại của những thứ mà chúng ta không thể thấy được như từ trường, sóng điện từ, nguyên tử, phân tử, v.v..
Như vậy, liệu việc biết vận dụng khoa học một cách khéo léo có thể giúp chúng ta có được một nhận thức chính xác hơn về khái niệm vô ngã1 hay về sự tồn tại của một thứ gọi là chân tâm bản tính hay không, hoặc giúp chúng ta nhận ra được các quy luật vận hành trong tự nhiên như giáo lý Duyên khởi một cách rõ ràng và chính xác hơn hay không? Như ta thấy, Phật giáo chủ yếu chú ý vào mặt tâm thức vô hình, nên các quy luật hoạt động của nó diễn ra như thế nào chỉ có bậc khai ngộ mới thấy được một cách rõ ràng mà thôi, còn kẻ phàm phu thì rất mơ hồ về điều đó, chính vì thế trong giới Phật học tồn tại hiện tượng là cùng một khái niệm, một định nghĩa mà có nhiều cách lý giải khác nhau, như Bát chính đạo hay giáo lý Duyên khởi có một số diễn giải không có được sự thống nhất, dẫn tới sự mơ hồ không được rõ ràng, hoặc có những quan điểm, lập trường thiếu sự nhất quán và đồng bộ với nhau dẫn tới bài bác nhau, như giữa Tiểu thừa và Đại thừa hoặc như giữa Thiền tông và Tịnh độ. Có nghĩa là việc lý giải những giáo lý hay các khái niệm trong kinh Phật đối với những kẻ phàm phu chúng ta rất khó có sự rõ ràng và chính xác.
Ngược lại với Phật giáo, khoa học lại chủ yếu chú ý vào mặt vật chất và khoa học đã giúp con người thấy được các quy luật hoạt động trong tự nhiên một cách khá rõ ràng và tường tận. Đó là lý do tại sao người thời nay lại tin tưởng vào khoa học đến như vậy. Và rất may quy luật hoạt động của thế giới vật chất và của thế giới tâm thức luôn có sự tương đồng với nhau. Nên nếu biết vận dụng kiến thức khoa học vào Phật giáo thì chúng ta có thể bổ túc phần lý giải đối với mặt tâm thức cho hàng phàm phu tục tử chúng ta một cách toàn diện và chính xác hơn.
Kiến thức khoa học có giá trị rất lớn đối với yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất của người học Phật, đó là phải như lý tác ý, nghĩa là phải có chánh tri chánh kiến đối với các quy luật vận hành trong tự nhiên, đặc biệt là về mặt tâm thức, vì vấn đề hạnh phúc hay khổ đau chủ yếu phụ thuộc vào mặt tâm thức là chính. Còn nếu như chỉ biết tới kiến thức khoa học mà không biết cách ứng dụng để làm rõ cho những giáo lý và các khái niệm trong kinh Phật, thì nó chỉ mới giúp ta có được chính tri Chính kiến về mặt vật lý, như vậy chỉ có thể giúp nhân loại có một đời sống vật chất thoải mái hơn chứ không giải quyết được vấn đề khổ đau của con người, thậm chí còn gây ra nhiều vấn nạn khác mà thế giới hiện nay đang phải đối diện. Và ngược lại, nếu chỉ có sự mến mộ, kính ngưỡng đối với lời Phật dạy về các khái niệm, các mô tả về các quy luật vận hành của nội tâm mà không có một sự lý giải rõ ràng thì rất dễ sinh ra cuồng tín hay mê tín, như thế sẽ không đủ niềm tin chân chính để vượt qua những cám dỗ trong thời đại dục vọng lên ngôi như hiện nay. Cuồng tín là chúng ta để đức tin của mình vượt qua cả lý trí, nghĩa là một khi đã đặt niềm tin vào một phương pháp tu tập nào đó, thì cho dù có gặp bất cứ khó khăn, trở ngại gì cũng không chịu nhìn nhận lại xem nó có hợp lý hay không, có khả quan hay không, mà vẫn cứ bám vào cái pháp tu tập đó tới cùng.
Ngược lại, nếu chúng ta có niềm tin vào các hiện tượng siêu nhiên, vào các năng lực phi thường như của thần linh, hay của chư Phật, Bồ tát rồi đâm ra ỷ lại, không chịu cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện bản thân, không chịu học hỏi phấn đấu, chỉ biết cầu xin ơn trên ban phép màu để thỏa mãn những nhu cầu dục vọng của mình, thì đây gọi là mê tín. Hai xu hướng thiên lệch này không chỉ ở thời này mới có, mà từ thời đức Phật cũng đã rất phổ biến, như việc đức Phật cảm thấy pháp tu khổ hạnh không thể dẫn tới kết quả như mình mong muốn nên lúc đó Ngài quyết định từ bỏ và đã bị năm anh em Kiều Trần Như có ý xem thường, cho rằng Ngài đã lui sụt, đã thoái chuyển. Vì vậy mà ngay khi thành đạo, đức Phật liền đi tới chỗ năm anh em Kiều Trần Như và thuyết giảng về Tứ thánh đế và về con đường trung đạo. Con đường trung đạo này cũng chính là con đường Bát chính đạo, là phải đi vào từ Chính kiến và Chính tư duy, phải có nhân sinh quan, thế giới quan chính xác rồi sau đó mới nói tới vấn đề nỗ lực, tinh tấn, lúc đó may ra mới có kết quả được. Ngược lại một nhận thức còn sai lệch, với một thế giới quan còn chưa chính xác thì dù có nỗ lực hết mình, tu hành ép xác tới cùng cực thì vẫn không thể khai ngộ và giải thoát được.
Như ta thấy, vào lúc thái tử Tất Đạt Đa còn đi tầm đạo thì đã xuất hiện hai thái cực là mê tín và cuồng tín. Còn khi đạo Phật xuất hiện và tồn tại hơn hai ngàn năm thì trong nội bộ Phật giáo, lại xuất hiện hai loại thái cực khác nữa đó là giữa Tiểu thừa và Đại thừa, giữa Thiền tông và Tịnh độ. Cả hai thái cực này tới nay vẫn còn có nhiều chống trái lẫn nhau, vẫn chưa dung thông được với nhau. Nên hiện nay chúng ta cần phải tìm ra được con đường trung đạo để làm sao có thể dung thông và hợp nhất hai thái cực này lại, đó mới là con đường chính xác mà đức Phật muốn chỉ dạy. Với nền tri thức của nhân loại như vào thời đại @ hiện nay liệu có thể giúp chúng ta tìm ra được con đường đó? Xin mời quý độc giả cùng chúng tôi khám phá ra con đường mới này. Tuy là mới nhưng thật ra nó đều không nằm ngoài kinh điển. Cũng có thể nói rằng đó cũng chính là con đường mà hiện tại, quá khứ và vị lai nơi trăm nghìn muôn ức na-do-tha quốc độ khắp mười phương, các đức Phật Chính-đẳng-giác không vị nào không đề cập tới.
Mục lục sách Phật Học Thời @
PHẦN I: TỨ THÁNH ĐẾ – CHÂN LÝ CỦA MỌI THỜI ĐẠI
Cửa vào đạo
Thế nào là tự ngã, vô ngã và chân ngã
Phật giáo trong thời đại hiện nay
Tứ thánh đế và như lý tác ý
Khoa học hiện đại hỗ trợ cho việc như lý tác ý như thế nào?
PHẦN II: BÁT CHÍNH ĐẠO
Chính kiến, Chính tư duy
Chính ngữ
Chính nghiệp
Chính mạng
Chính tinh tấn
Chính niệm, chính định
PHẦN III: ĐIỂM THEN CHỐT CỦA VIỆC TU HỌC
Tâm phân biệt nhị nguyên
Sự ảnh hưởng của ý thức phân biệt đối với việc vãng sinh
Thu nhiếp lục căn và tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ
Từ bi và trí tuệ: sự hoàn thiện trong giáo pháp Đại thừa
PHẦN IV: GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI VÀ NỀN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Khái quát về giáo lý Duyên khởi
Vô minh duyên hành
Hành duyên thức
Thức duyên danh sắc – sự hình thành của chánh báo
Sự hình thành của y báo
Xúc thực mà tăng trưởng dễ chiêu cảm cõi súc sinh
Tư niệm thực và bốn dạng chấp thủ
Pháp chấp và tam giới
Hai cõi giới đặc biệt: A-tu-la và cõi trời dục giới
Đoạn trừ được ba loại thức ăn này là giải thoát
Căn nguyên hình thành lên hai dạng hướng ngoại và hướng nội
Con đường trung đạo giữa hướng ngoại và hướng nội
Vãng sinh Cực Lạc: con đường ra khỏi tam giới, sáu cõi
Năm loại ý niệm nhị nguyên và sự hình thành thế giới
PHẦN V: THẾ NÀO LÀ NGƯỜI CÓ ĐẦY ĐỦ THIỆN CĂN, PHÚC ĐỨC VÀ ĐẠI NHÂN DUYÊN?
Đại nhân duyên là gặp được bản nguyện của đức Phật A Di Đà
Thiện căn là sự liễu giải được chân tướng thật tướng các pháp
Phương pháp tăng trưởng phúc báu trong thời Mạt pháp
Làm sao bổ túc mặt thiện căn cho người thời nay?
Hiện tượng cảm ứng đạo giao và sám trừ nghiệp chướng khác nhau thế nào?
Tại sao hiện nay vạn người tu niệm Phật mà chỉ có một hai người vãng sinh?
Tầm quan trọng của pháp lễ sám Địa Tạng và giáo lý Duyên khởi
PHẦN VI: PHÁP MÔN NÀO LÀ PHÁP MÔN TRUNG ĐẠO?
Pháp môn Tịnh độ và dạng căn tính hướng ngoại
Sự dung thông giữa Thiền và Tịnh qua giáo lý Duyên khởi
Pháp môn niệm Phật – con đường trung đạo giữa Thiền và Tịnh
Căn nguyên hình thành nên tám vạn bốn ngàn pháp môn
Bốn nhóm căn tính chính trong Phật giáo
Người xuất gia hiện nay nên chọn pháp môn nào?
Tại sao pháp môn Niệm Phật lại được đức Phật giới thiệu sau cùng?
Vì sao đức Phật đề cao pháp môn Niệm Phật hơn cả pháp môn Tịnh độ?
Sự hợp nhất giữa giáo lý Duyên khởi và pháp môn Niệm Phật