Châu Âu những năm 1930 - 1940, giữa lúc bóng đen chiến tranh phủ khắp châu lục này, một cuộc chiến khác, kín đáo hơn nhưng vô cùng táo bạo, đang diễn ra trong lòng giới nghệ thuật nơi đây. Han van Meegeren, một họa sĩ người Hà Lan bị xem nhẹ tài năng, đã liều lĩnh giả mạo các tác phẩm của Johannes Vermeer - danh họa bí ẩn nhất lịch sử nghệ thuật phương Tây, với suy nghĩ rằng, “nếu không nhận được sự tán thưởng của giới phê bình, thì việc biến họ thành lũ ngốc cũng khiến ta hả dạ.”
Những bức tranh giả mạo của Van Meegeren không chỉ liên tiếp đánh lừa được giới phê bình quyền uy mà còn đưa ông ta vào tầm ngắm của những nhân vật quyền lực nhất bấy giờ, trong đó có cả tay trùm phát-xít khét tiếng Hermann Goering.
Sau Thế chiến II, Van Meegeren bị buộc tội phản quốc, bị bắt giữ và đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng. Tại phiên tòa rúng động ở Amsterdam, Van Meegeren đã biện hộ rằng, chính nghệ thuật đã cho phép ông ta thách thức định kiến để tự tôn vinh tài năng của bản thân. Từ một kẻ bị coi thường, Van Meegeren lại trở thành “người hùng” của đất nước, và khơi mào ra cuộc tranh luận không hồi kết về bản chất của nghệ thuật cũng như giá trị đích thực của tác phẩm.