Picasso Và Bức Tranh Khiến Thế Giới Sửng Sốt - Miles J.unger
Picasso thường được biết đến như một thiên tài, một bậc thầy sáng tạo của thế kỷ 20 vì tên tuổi ông gắn liền với sự ra đời của trường phái Lập thể – bước chuyển đột phá trong dòng chảy nghệ thuật nói chung và Nghệ thuật Hiện đại nói riêng. Chủ nghĩa Lập thể phá vỡ nguyên tắc tạo hình truyền thống của hội họa từ hàng thế kỷ trước, khiến những hình khối, mảnh ghép và góc cạnh của đối tượng được trưng bày dưới lăng kính không-thời gian trên mặt phẳng tranh, mà bức tranh Những cô nàng ở Avignon đầy táo bạo đã đánh dấu thời khắc ấy.
Người ta thường biết đến một Picasso đầy tài năng và có phần kiêu ngạo – người hiểu rõ sức mạnh nghệ thuật và sự quyến rũ của bản thân; nhưng có lẽ ít ai hiểu rõ những khía cạnh nhạy cảm, phức tạp, những góc tối ẩn giấu sâu trong tâm hồn ông. Để đến được với Những cô nàng ở Avignon, cuốn sách dẫn ta quay ngược thời gian khám phá cuộc sống luôn nằm giữa hai thái cực và những mâu thuẫn của người họa sĩ – tuổi thơ bao bọc bên gia đình nhưng trưởng thành sớm vì áp lực; đời sống lãng tử thỏa mãn tinh thần mà túng thiếu về vật chất; luôn quan sát ít nói nhưng ánh mắt toát ra năng lượng thu hút lôi cuốn; tình bạn song hành với sự cạnh tranh cùng những tài năng đương thời; thờ ơ trước danh tiếng nhưng luôn tin sứ mệnh của mình là người dẫn đầu làn sóng Tiên phong; sức kiến tạo tột bậc bung ra khi lật đổ và hủy diệt các quy tắc nền tảng – rồi từ đó trả lời được câu hỏi rằng liệu sự thỏa hiệp của một thiên tài – liệu một Picasso khác – có mang lại điều gì sửng sốt hay không?
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
“Sự ra đời của chủ nghĩa Hiện đại một thế kỷ trước là một trong những thời khắc lịch sử vĩ đại nhất của quá trình phân nhánh sáng tạo, cũng như vật lý của Einstein, âm nhạc của Stravinsky, và các văn phẩm của Joyce và Proust. Một điểm sáng lớn là bức tranh đáng kinh ngạc của Picasso, và Miles Unger thể hiện đồng thời sự kịch tính và vẻ rực rỡ của sáng tạo đó trong cuốn sách ly kỳ này.”
– Walter Isaacson, tác giả cuốn sách Leonardo da Vinci
“Mê mải... Cuốn sách tâm huyết này là một ghi chép chân thực và nhiệt thành về một bức tranh có ảnh hưởng lâu dài tới thế giới nghệ thuật ngày nay.”
– Publishers Weekly
TRÍCH ĐOẠN HAY
Chương 1:
“Khi còn trẻ, ông đã đi bộ khắp Paris với đôi giày thủng mà ông không có đủ tiền để sửa, để sự náo nhiệt của thành phố sôi động nuôi dưỡng cảm hứng cho mình. Đi bộ không chỉ là phương sách cuối cùng của người thanh niên nghèo; nó còn là một phương thức giúp ông nhận biết và thấu hiểu, một dạng nhận thức luận. Nó mang đến cho nghệ thuật của ông những kết cấu và chất liệu thiết yếu.”
“Ông nhận ra, quá khứ sẽ mãi nằm ngoài tầm với, ngay phía bên kia cái rào cản không thể nào vượt qua. Sống, đồng nghĩa với việc phải lắng nghe tiếng những cánh cửa đóng sầm lại, những hành lang tối đồng vọng niềm luyến tiếc về những lựa chọn không bao giờ có thể làm lại được; mũi tên thời gian chỉ quay về một hướng duy nhất, và khả năng của trí nhớ để xoay ngược dòng chảy chỉ là điều huyễn hoặc.”
“Sắp đặt cuộc chạm trán giữa người tình trẻ với nỗi bất hạnh tàn tạ của một người phụ nữ chính là cách tiếp cận cuộc sống và nghệ thuật rất đặc trưng của Picasso, cả hai đều được nhào nặn từ chính những ám ảnh của ông. Tình dục và cái chết – Eros và Thanatos của Freud – cái đẹp và cái gớm ghiếc: những thế lực đối nghịch này, bị ràng buộc với nhau, chính là những nhân tố tạo thành thế giới của chúng ta.”
“[...] mặc dù Pablo đã được tán tụng từ ít nhất là 30 năm trước khi gặp tôi, ông ấy vẫn là người đàn ông cô độc nhất trong thế giới nội tâm của mình, thế giới đã ngăn cách ông khỏi đội quân hùng hậu những người mến mộ và những kẻ xu nịnh vây quanh. ‘Dĩ nhiên là người ta thích tôi; thậm chí họ còn yêu mến tôi,’ ông phàn nàn vào một buổi chiều khi tôi cố gắng gỡ bỏ nỗi bi quan mà tôi thấy đang nhấn chìm ông ấy khi tôi đến. ‘Nhưng cũng giống như cách họ thích gà mà thôi. Bởi vì tôi nuôi dưỡng bọn họ. Nhưng ai nuôi dưỡng tôi?’”
“Picasso, dù trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ không để lãng phí sự chán nản của mình. Nghệ thuật của ông lớn lên từ nỗi thất vọng. Theo sau sầu muộn luôn là cơn cuồng nộ dữ dội khi ông quay về xưởng vẽ, và ông sẽ đánh bật những con quỷ bên trong linh hồn mình bằng cách nhạo báng chúng, khiến chúng nhảy nhót như những linh hồn cuồng loạn khi ông vung cọ vẽ. Nếu nghệ thuật của ông được dẫn lối bởi năng lượng tăm tối, thì dù thế nào nó cũng là một dạng năng lượng, và ông dựa vào lực đẩy của nó để kích hoạt óc sáng tạo của mình.”
“[...] điệu cười mỉa mai của Picasso chẳng qua chỉ là một chiến thuật ngụy trang. Cái điện thờ tự chế này cho ta cái nhìn sâu sắc vào bản chất nghệ thuật của ông, cho thấy ông tin tưởng mạnh mẽ tới mức nào rằng các vật thể, khi được sắp xếp thích hợp, sẽ đem lại sức mạnh ma thuật. Đó là lý do tại sao điêu khắc châu Phi lại hấp dẫn ông và tại sao ông lại sử dụng nó nhiều hơn bất kỳ đồng môn nào của mình. Đối với Picasso, nghệ thuật về căn bản không phải một ngôn ngữ thị giác mà là phương thức thao túng những sức mạnh vô hình. Chủ nghĩa Lập thể chính là nỗ lực mang đến cho hình ảnh một uy lực lớn lao hơn là tạo ra ảo giác đơn thuần, và khi ông bắt đầu trò chơi cắt dán của mình, kết hợp những thứ cắt ra thành một ma trận hình ảnh – hay những bức tượng mang tính cách mạng hơn làm từ những thứ phế liệu ông nhặt nhạnh được trên đường dạo bộ mỗi ngày hay trong những đống vật liệu thừa thãi của xưởng vẽ – chúng rất giống cái điện thờ ông dựng lên cho tình yêu với người phụ nữ này – những vật tổ linh thiêng luôn có tác động lên thế giới của sự sống.
Chương 9:
“Thiếu nhất quán cũng là đặc điểm trong rất nhiều tuyệt tác của Picasso, thường hiển hiện rõ nhất trong những thời khắc sáng tạo đỉnh cao. Nó phản ánh mâu thuẫn nội tại trong vai trò nghệ sĩ, cả về mặt tâm lý lẫn chiều sâu tư tưởng. Ông thường rất vội vàng, chuyển hướng mới trước khi hoàn thành cái cũ, khiến tác phẩm của ông mang một vẻ sơ lược nhất thời rất dễ bị nhầm lẫn với cẩu thả. Căn nguyên của nó một phần là thái độ xem thường sự cầu toàn bóng bẩy mà các họa sĩ chính thống như cha ông luôn coi trọng; suốt cuộc đời ông luôn phải đấu tranh với sự thành thục của chính mình, e sợ rằng rốt cuộc nghệ thuật của ông sẽ chỉ còn là trò trình diễn giảo hoạt trống rỗng. Nhưng còn một vấn đề tâm lý đóng vai trò then chốt hơn. Tuyên bố rằng một tác phẩm nghệ thuật không còn gì để sửa chữa nữa cũng có nghĩa là đưa nó vào một cái chết chậm rãi.”
“[...] trong bức Những cô nàng ở Avignon còn đáng kinh ngạc hơn – cuộc đụng độ của những sự bất cân xứng lại mang đến một cảm giác đối nghịch là sự tròn đầy. [...] Picasso thừa nhận rằng không một cách nhìn đơn lẻ nào, không một phương pháp duy nhất nào là đủ, rằng có quá nhiều điều để nói nên không thể có chỗ cho sự mạch lạc nhất quán.”
“Ở một mức độ nào đó, cuộc giằng co giữa mặt phẳng hai chiều và hình khối ba chiều trông giống như chiến thắng của lý thuyết trước cảm giác, của lý trí trước cảm xúc. Nhưng đối với Picasso, không gì quan trọng bằng linh hồn của tác phẩm. Giống như rất nhiều chiến hữu trong phong trào avant-garde, ông đang tìm cách lưu giữ lại ý niệm đã mất về cái toàn thể, tìm cách giành lại hội họa từ tay những kẻ lừa gạt, gian trá, tay sai của những thủ pháp rẻ tiền chẳng tạo ra được thứ gì ngoài sản phẩm của kỹ xảo điêu luyện nhưng rỗng tuếch. Ít nhất thì trong tay Picasso kỹ thuật cũng không trở nên vô dụng. Thực ra, nó trần tục đến gần như khó chịu, thứ không thể vắng bóng khỏi niềm lạc thú được ngắm nhìn, được sờ nắm vào góc sâu kín nhất của con người. Picasso vẫn chưa trút bỏ những ám ảnh vẫn lẩn quất trong tâm trí; ông chỉ đơn giản là tái lập chúng bằng chính ngôn ngữ đã mã hóa của hội họa mà thôi.”
“Với tất cả những suy tư ấy, tranh của Cézanne vẫn tràn đầy khoái cảm. Nỗi bất an của ông là một dạng thức thăng hoa trong đó thứ nhục dục hoang dại hiển hiện quá rõ trong những tác phẩm thời kỳ đầu được thay thế (hay che giấu) bằng một phương pháp mà trong đó chỉ cách nhìn thôi tự nó đã quá gợi tình, để cho cái mỡ màng của hoa quả chín hay cương đầy của rặng núi nhô lên khỏi những cánh đồng tươi tốt thế chỗ cho những đam mê mà ông chối bỏ. Picasso, ngược lại, hiếm khi cảm thấy cần phải kìm nén cơn thèm khát của mình. Trên thực tế, ông là một trong số những nghệ sĩ thành thực nhất mọi thời đại khi đem cả những cơn cuồng giận cùng những mong mỏi khát khao vào tác phẩm. Nhưng ông hiểu rằng sự tìm tòi về hình khối của Cézanne, tự nó một phần cũng là kết quả của những kìm nén và thăng hoa, chính là chiếc chìa khóa dẫn lối vào một thứ ngôn ngữ giàu tính biểu đạt hơn và phong phú hơn, thứ ngôn ngữ mà chính Bậc thầy xứ Aix cũng không mơ tới.”
“Chỉ vào năm 1905, với các tác phẩm của Thời kỳ Hồng, chúng ta mới nhận ra những dấu vết đầu tiên cho thấy Picasso đã bắt đầu khai thác nghệ thuật của người họa sĩ lớn tuổi một cách nghiêm túc. Ảnh hưởng này tự nó thể hiện ở sự tập trung vào khía cạnh nhận thức về bề mặt của toan vẽ, đến những kéo/đẩy không gian tinh tế cùng những hình dáng [...]. Quan trọng nhất là, chỉ khi đã quét sạch những tàn tích cuối cùng của chất thơ Biểu tượng khỏi tác phẩm của mình, Picasso mới thực sự bắt đầu thấu hiểu hết làm thế nào Cézanne đưa vào những vật thể đời thường nhất sức mạnh của tính biểu tượng, không phải thông qua những câu chuyện thần thoại mà bằng cách tập trung vào chính hình khối với khả năng tự sự mạnh mẽ.”
“Tâm trạng tồi tệ của ông là dấu hiệu của sự tập trung chứ không phải chán nản, cuộc rút lui khỏi thế giới cho thấy toàn bộ sức mạnh của ông đang hội tụ cho một nỗ lực cuối cùng quan trọng nhất. Nỗi bất an của ông là quá trình nhận thức mạnh mẽ của một vận động viên trước trận đấu lớn hay một nhà thám hiểm đang tiến gần tới những bến bờ hoàn toàn xa lạ.”
Chương 10:
“Khi Picasso bắt đầu khám phá chủ đề gái điếm trong Thời kỳ Lam, ông hoàn toàn không tập trung vào khía cạnh tính dục. [...] Ngược lại, bức Những cô nàng ở Avignon lại tập trung vào tính dục. Những cô gái điếm ông khắc họa trong kiệt tác theo trường phái Hiện đại này chính là những ‘nữ thần ma quỷ’ của Baudelaire và còn hơn nữa: những kẻ dâm đãng, cay nghiệt, tham tàn, đói khát, ngấu nghiến, khoa trương và trơ trẽn, thản nhiên, không nao núng và không biết sợ nhưng rất đáng sợ.”
“Những cô nàng ở Avignon là bức tranh đầu tiên Picasso thực sự là chính mình. [...] Sự thực là cho đến thời điểm này, ông vẫn kìm nén bản thân. Ngay cả những kiệt tác của thời kỳ trước [...] vẫn nằm trong một vỏ bọc không thực như vậy. Ta có thể cảm thấy ông dường như đã cố gắng vẽ theo sự mong đợi của mọi người. Với bức Những cô nàng ở Avignon, phần tính cách thô lậu và báng bổ vốn luôn tồn tại trong ông [...] trở thành đặc trưng chính của con người nghệ sĩ trong ông. Bức Những cô nàng ở Avignon là thời điểm ông ngừng kiểm soát những bản năng xấu xa của mình, để mặc chúng thỏa sức tung hoành.”
“Picasso thể hiện hình ảnh những cô gái [...] với trực diện đầy uy quyền thường thấy ở tranh thánh, nhưng lại thay thế bề mặt điềm tĩnh của những bức tranh này bằng những trường lực hỗn loạn, như thể quỷ dữ không chỉ hiện diện mà còn luôn hiện nguyên hình. Trong nhiều thế kỷ, lịch sử nghệ thuật luôn phân biệt rõ ràng giữa hai phong cách đối lập: trường phái ‘tranh thánh’ thanh bình, trừu tượng, một viễn cảnh của thế giới toàn hảo vượt trên sự hiểu biết của con người, và không gian huyền ảo rất logic và ‘như thật’ của nghệ thuật Phục Hưng. Picasso đã tạo ra cách tiếp cận thứ ba: cách biểu hiện đầy uy lực siêu nhiên của trường phái thứ nhất, sự hiện diện thực và sống động của trường phái thứ hai, và nguồn năng lượng của sự bất an chưa từng có trong cả hai trường phái này.
Sự mơ hồ về không gian mà ông đã khám phá [...] với đỉnh điểm là những hiệu ứng bí ẩn đến chóng mặt trong bức tranh lớn này, đã đem lại cho tác phẩm của ông một sự hiện diện mạnh mẽ hơn, biến hình ảnh thành bản chất, ảo giác thành hình tượng.”
“Các dấu hiệu có phần tùy tiện này chỉ có nghĩa trong mối tương quan với nhau chứ không phải do chúng giống với một hình mẫu nào đó trong tự nhiên. [...] Khi chấp nhận việc chúng không đồng nhất với tổng thể của bức tranh, ông muốn nhấn mạnh tính độc lập của chúng; ý nghĩa được tạo ra thông qua sự tương tác giữa những yếu tố khác biệt chứ không phải nhờ một chỉnh thể.”
CÂU QUOTE HAY
“Mặc dù đám đông khao khát anh hùng và mong mỏi một tầm nhìn dẫn dắt đã tuyên xưng ông là tiếng nói đại diện cho cả một thế hệ, nhưng nghệ thuật của ông về bản chất vẫn là nghệ thuật tự họa, một sự biểu hiện các vấn đề cá nhân hơn là sự phơi bày một ý thức hệ.”
_ Trích Chương 1
“Những biến đổi xuất quỷ nhập thần trong nghệ thuật của ông xuất phát từ giả định rằng có một chiều kích siêu nhiên vẫn lẩn khuất đâu đó ngoài tầm với của người trần mắt thịt, một tư duy chịu ảnh hưởng nhiều từ hình thức, nếu không nói là nội dung, của tôn giáo chính thống.”
_ Trích Chương 2
“Trong nghệ thuật, ta phải giết chết chính cha đẻ của mình.”
_ Trích Chương 2
“Picasso sinh ra đã là kẻ nổi loạn, Matisse nổi loạn vì thế thời, và miễn cưỡng mới đặng lòng làm vậy.”
_ Trích Chương 7
“Với Picasso, nghệ thuật, sâu xa hơn cả, là một thực hành nguyên thủy hòng điều khiển những sức mạnh giấu kín đang chế ngự định mệnh của con người.”
_ Trích Chương 8
“Tư tưởng cổ điển của Picasso, giống như Gauguin, không hề tao nhã tinh tế – không phải sự trỗi dậy của tột đỉnh văn minh mà là một biểu hiện của sự ngây ngô thơ trẻ.”
_ Trích Chương 8
“[Cézanne] là người thầy duy nhất của tôi!”
_ Trích Chương 9
“Quy luật chi phối quan điểm mỹ học mới là như sau: ý niệm quan trọng hơn cảm nhận.”
_ Trích Chương 10
VỀ TÁC GIẢ
Miles J. Unger
Là cây bút chuyên về nghệ thuật, sách và văn hóa cho các tạp chí lớn như The Economist và The New York Times.
Từng là trưởng ban biên tập của Tạp chí Art New England và là cây bút tiểu sử nghệ thuật nổi tiếng.
Các tác phẩm tiêu biểu:
Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt (2018)
Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời (2014)
Machiavelli (2011)