Vì sao không phải là “bất ổn giới” mà lại là “rắc rối giới”?
Việc Gender Trouble Rắc rối giới (xuất bản lần đầu năm 1990) “trở thành một “sự can thiệp” đầy khiêu khích vào lý thuyết nữ quyền”, và thường xuyên được “trích dẫn như một văn bản nền tảng của Lý thuyết queer”** – như chính Butler viết trong lời tựa dành cho ấn bản năm 1999, là một điều nằm ngoài dự đoán của chính tác giả ngay cả khi đã hoàn tất bản thảo. Cuốn sách bắt đầu từ những truy vấn của Judith Butler với những “giả định dị tính” phổ biến trong nữ quyền luận đương thời, những thứ trói buộc và bó hẹp chính lý thuyết nữ quyền vào bộ khung quy chất luận, khiến nó không thể bước ra ngoài định chế nhị phân về giới. Cuốn sách, bởi vậy, nằm trong nỗ lực “mở rộng” những khả năng tư duy/phê bình của Butler, nhưng cũng là một đòi hỏi để những tồn tại “lệch chuẩn” được cất lên tiếng nói, được thừa nhận sự tồn tại trong tư cách một “con người đầy đủ” (fully human), được sống một cách đúng nghĩa. Là một tác phẩm lí thuyết đậm chất tự thuật, Rắc rối giới không chỉ là những suy tư về triết học, ngôn ngữ, về các mô thức phê bình… mà còn là những suy nghiệm từ/về chính cuộc đời tác giả.
“Rắc rối giới cố gắng xác định chỗ đứng cho những vị trí nằm trên đường biên sống còn của đời sống học thuật. Vấn đề không phải là để tiếp tục sống bên lề, mà để tham gia vào bất cứ một mạng lưới hay vùng ngoại biên nào nảy sinh từ các trung tâm học thuật quyền uy và góp phần dịch chuyển chúng. Sự phức tạp của giới đòi hỏi một tập hợp diễn ngôn đa ngành và hậu ngành để kháng cự việc thuần hóa nghiên cứu giới và phụ nữ trong học thuật, cũng như đổi mới ý niệm về phê bình nữ quyền.” (Trích Lời tựa [1990])
“Dù khen hay chê, nhiều độc giả phê bình Rắc rối giới khó đọc. Thậm chí một số người còn cảm thấy kỳ lạ và tức giận khi một cuốn sách khó tiêu thụ như vậy lại trở nên 'nổi tiếng' đến thế theo tiêu chuẩn học thuật. Cuốn sách của tôi khiến nhiều người ngạc nhiên có lẽ vì chúng ta đã đánh giá thấp độc giả. Trên thực tế, độc giả có đủ khả năng và ham muốn đọc những văn bản phức tạp và thách thức, khi sự phức tạp có lý do của nó, khi sự thách thức có mục đích chất vấn những sự thật hiển nhiên, khi tính hiển nhiên của những sự thật ấy quả thật đang áp bức người khác.” (Trích Lời tựa [1999])
“Rắc rối giới là tác phẩm kinh điển theo nghĩa hay nhất: đọc lại cuốn sách này, cũng như đọc nó lần đầu tiên, sẽ định hình lại các phạm trù mà ta trải nghiệm, thực hiện đời sống và cơ thể mình. ” (Donna Haraway, Đại học California, Santa Cruz).