Mỗi bài trong quyển Sám Pháp Địa Xúc này giống như một buổi tâm tình với đức Thế Tôn. Ta có thể chọn một bài thích hợp với hoàn cảnh của ta mà thực tập. Trước khi thực tập Sám Pháp, ta có thể ngồi thiền hoặc đi thiền 30 phút để làm thân tâm lắng lại. Ta có thể một mình thực tập Sám Pháp Địa Xúc hoặc thực tập chung với nhiều người. Sau mỗi đoạn sám, mọi người thực tập lạy xuống khi nghe tiếng chuông. Mỗi lần lạy ta chỉ nên lạy hai hoặc ba lạy. Trong khi lạy, ta hoàn toàn phú thác thân mạng ta cho Đất, để đất có thể ôm lấy ta và giúp ta chuyển hóa những khổ đau và bế tắc trong ta...
Trích dẫn sách Sám Pháp Địa Xúc (Bìa Cứng)
Con nguyện chế tác và làm tỏa chiếu năng lượng ung dung, thảnh thơi, vững chãi và an lạc bất cứ nơi nào con đi qua. Mỗi bước chân như thế đều có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu, mỗi bước chân như thế có thể đem con về với đất Mẹ, nơi vô số các vị Bụt và Bồ tát đã được sinh ra và đã thành đạo, đã giáo hóa. Đất Mẹ là một Tịnh độ xinh đẹp tuyệt vời.
(Trích Thiền đi)
[...]
Con biết con không cần đợi cho hình hài này tan rã mới bắt đầu đi vào Tịnh độ. Con biết con có thể đi vào Tịnh độ ngay bây giờ và ở đây, nếu con có được một ít năng lượng chánh niệm và chánh định. Mà các năng lượng này, con có thể chế tác được bằng bước chân, hơi thở và cái nhìn của con.
(Trích Hạnh phúc bây giờ và ở đây)
Thông tin tác giả Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh Sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, là một thiền sư, giảng viên, nhà văn với bút danh Nguyễn Lang, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam. Ông sinh ra ở Thừa Thiên Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, ông đã sống tại Pháp hơn 40 năm. Ông đã về nước và hiện sống tại Huế kể từ năm 2018.
Thích Nhất Hạnh được một số tờ báo đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Việt Nam: Hoa sen trong Biển lửa (Vietnam: Lotus in a Sea of Fire) của ông xuất bản năm 1967. Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.