Đại Đường Tây Vực Ký (大唐西域記) rất xứng đáng được xem là một “thiên cổ kỳ thư”. Ra đời từ năm 646, đã qua gần 14 thế kỷ, nhưng đến nay tác phẩm vẫn tiếp tục được độc giả đánh giá cao, thậm chí có thể hơn cả khi mới ra đời. Trong thực tế, khi tác phẩm này được chuyển dịch và tiếp cận với các học giả phương Tây, nhiều giá trị khác nhau của tác phẩm đã được nghiên cứu tìm hiểu ngày càng sâu rộng hơn, đóng góp thiết thực vào những hiểu biết của chúng ta hiện nay về thời đại tác giả. Đây là một trong những tác phẩm đặc biệt hiếm hoi từ quá khứ truyền lại cho chúng ta những hiểu biết về nhiều lãnh vực khác nhau.
Về văn học, đây có thể xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi thời Thịnh Đường, với nét nổi bật là hết sức gần gũi với thi ca. Rất nhiều đoạn văn trong tác phẩm cô đọng, súc tích, câu văn gãy gọn mà ý tứ hàm súc sâu xa, nhiều hình ảnh, giàu nhạc điệu.
Về mặt địa dư, đây là một trong những tài liệu sớm nhất và đầy đủ nhất về các nước vùng Tây Vực và hầu như toàn cõi Ấn Độ, từ miền Bắc Ấn xuống đến tận các điểm gần vùng cực nam và luôn cả đảo quốc Tích Lan (Sri Lanka), đề cập đến vị trí địa lý, cương vực, đời sống, tập tục của cư dân, kể cả vị trí của núi non, sông suối...
Về mặt khảo cổ học, có thể nói tác phẩm này là một “bản đồ kho báu” cực kỳ quý giá đối với các nhà khảo cổ. Trong thực tế, nhiều công trình khai quật đã thành công nhờ định vị di tích dựa theo những ghi chép chính xác trong tác phẩm này. Trong khi nhiều thánh tích nổi tiếng một thời của Phật giáo nay đã bị vùi lấp bởi thời gian, thì những ghi chép của ngài càng trở nên vô cùng quý báu trong việc giúp các nhà khảo cổ có được một phương hướng chính xác hơn trong sự tìm kiếm của mình.
Với tất cả những giá trị nêu trên và còn nhiều hơn thế nữa, việc chuyển dịch tác phẩm sang Việt ngữ là điều hết sức cần thiết, vì sẽ tạo cơ hội cho những ai không đọc được nguyên bản có thể tiếp cận với những giá trị quý báu này.