Bất kỳ doanh nhân nào cũng mong muốn xây dựng được một thương hiệu (nhãn hiệu thương mại) cho doanh nghiệp và cho sản phẩm của mình.
Và “Tốc độ của niềm tin” (Speed of Trust) là một trong số những cuốn sách hay nhất về cách thức xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mà tôi từng biết.
Cuốn sách này chỉ ra rằng, muốn có thương hiệu uy tín (Trusted Brand) thì cần phải có một tổ chức đáng tin (Trusted Organization); muốn có một tổ chức đáng tin thì cần phải có đội ngũ đáng tin (Trusted Team); muốn có đội ngũ đáng tin thì cần phải có con người đáng tin (Trusted People).
Khi một người muốn được tin cậy bởi người khác (Trusted by Others) thì trước hết người đó phải có “tự trọng / sự đáng tin từ bên trong” (Self-Trust). Nếu tự mình thấy mình không đáng tin thì sẽ không bao giờ có được sự tin cậy của người khác. Ngược lại, khi mình thực sự có “Self-Trust” (có thiện căn và đức tin, có lương tri và phẩm giá ở bên trong con người mình) thì mặc nhiên mình sẽ nhận được sự tin cậy của người khác.
Như vậy, một thương hiệu uy tín (Trusted Brand) sẽ là hệ quả của những con người đáng tin (Trusted People), đội ngũ đáng tin (Trusted Team) và tổ chức đáng tin (Trusted Organization). Nói cách khác, hành trình từ “Tự trọng cá nhân” (Self-Trust) đến “Thương hiệu tổ chức” (Trusted Brand) cũng chính là cách thức xây dựng thương hiệu hay nhất, hiệu quả nhất và bền vững nhất đối với mọi tổ chức và mọi doanh nghiệp.
Với phương cách độc đáo này, xây dựng thương hiệu không chỉ là công việc của bộ phận Marketing hay công việc của Ban lãnh đạo Công ty như lâu nay, mà đó còn là trách nhiệm thực sự của mỗi thành viên trong toàn tổ chức. Nói cách khác, mỗi nhân viên đều là người xây dựng thương hiệu công ty.
Giá trị lớn nhất của doanh nghiệp không phải là “cái hiệu” mà là “cái hiệu được thương” (thương hiệu); Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp không phải là con người, mà là con người đáng tin. Và “đáng tin” không chỉ là “thương hiệu”, là “tài sản”, là “văn hóa” (văn hóa cá nhân, văn hóa tổ chức, văn hóa xã hội...), mà còn là “doanh thu”, là “chi phí” của doanh nghiệp. Bởi lẽ, khi có thương hiệu mạnh thì doanh thu sẽ tăng, chi phí sẽ giảm và hệ quả là lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhanh và tăng bền vững.
GIẢN TƯ TRUNG - Tác giả sách “Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh”, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED.
Thông tin tác giả Stephen M. R. Covey
Stephen M. R. CoveyÔng là cựu Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Covey Leadership Center. Dưới sự dẫn dắt của ông, Covey Leadership Center đã trở thành công ty phát triển lãnh đạo lớn nhất thế giới. Covey là người đã đứng sau chiến lược đưa tác phẩm kinh điển “7 Thói quen Hiệu quả” của cha ông - giáo sư Stephen R. Covey, trở thành một trong những cuốn sách quản trị có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX, theo đánh giá của tờ CEO Magazine.
Trong vai trò Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Covey Leadership Center, Stephen M. R. Covey đã giúp doanh thu tăng gần gấp đôi và lợi nhuận tăng gấp 12 lần. Cũng trong khoảng thời gian này, công ty mở rộng chi nhánh tại hơn 40 quốc gia, hoạt động này đã làm gia tăng giá trị cho thương hiệu và công ty, được định giá 2,4 triệu đô la khi Covey được chọn làm CEO. Chỉ trong ba năm, ông đã giúp gia tăng giá trị cổ đông lên 160 triệu đô la tại thời điểm sáp nhập với Franklin Quest để thành lập nên FranklinCovey.
Stephen M.R.Covey là đồng sáng lập của tổ chức CoveyLink Worldwide – công ty chuyên tư vấn thực tiễn về nâng cao hiệu quả của các nhà lãnh đạo và tổ chức trên toàn thế giới thông qua việc phát triển và thúc đẩy Niềm tin. Gần đây, Stephen M. R. Covey đã sáp nhập CoveyLink và FranklinCovey, thành lập nên Global Speed of Trust Practice, nơi ông đang đảm nhận vai trò Global Practice Leader.