Cuốn sách Tứ Ân Đạo Phật ở Tây Nam Bộ là một phần kết quả nghiên cứu từ đề tài cấp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022 - 2024: "Phong trào các ông Đạo ở Nam Bộ từ thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 từ góc nhìn khu vực học" (mã số B2022-16-02) đã được thực hiện dưới sự chủ nhiệm của TS. Nguyễn Trung Hiếu, giảng viên Khoa Du lịch & Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang - ĐHQGTPHCM và nhóm nghiên cứu là giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
Tứ Ân Đạo Phật ra đời năm 1947, được sáng lập dựa trên nền tảng tư tưởng giáo lý của Bửu Sơn Kỳ Hương (ra đời năm 1849) và tư tưởng Phật giáo. Trong lịch sử, tôn giáo này có nhiều đóng góp lớn trong việc khẩn hoang lập làng ở An Giang và Kiên Giang; đóng góp tích cực vào việc ổn định đời sống vật chất cho người dân Tây Nam Bộ ở giai đoạn lịch sử xã hội có nhiều biến động. Hiện nay, cộng đồng tín đồ Tứ Ân Đạo Phật tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương. Do vậy, nghiên cứu về Tứ Ân Đạo Phật sẽ làm nổi bật mối quan hệ giữa đời sống tôn giáo và đời sống xã hội của tín đồ trong suốt diễn trình ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Đặt trong từng thời điểm lịch sử - giai đoạn Tứ Ân Đạo Phật ra đời hay giai đoạn hiện nay, Tứ Ân Đạo Phật là nguồn lực tinh thần khỏa lấp khoảng trống trong tâm thức con người, hình thành nên giá trị văn hóa mới ở vùng đất Tây Nam Bộ. Đó là giá trị thụ dung đa tầng văn hóa tồn tại ở vùng đất Tây Nam Bộ vào một tôn giáo, làm cho tôn giáo cộng sinh hài hòa với các tôn giáo khác; khác biệt và độc đáo so với các tôn giáo nội sinh trước đó mà Tứ Ân Đạo Phật ảnh hưởng. Đó còn là giá trị tư tưởng đạo đức tôn giáo mà tín đồ đóng góp cho xã hội từ khi ra đời đến nay. Từ đó cho thấy Tứ Ân Đạo Phật tạo nên một hệ giá trị văn hóa trong bức tranh đa dân tộc và tôn giáo vùng Tây Nam Bộ.
Chuyên khảo này đề cập những nội dung chính như sau:
Chương 1: Lý luận về tôn giáo, giáo phái mới và hoàn cảnh ra đời của Tứ Ân Đạo Phật.
Chương 2: Lịch sử hình thành, phát triển và hệ thống tổ chức hoạt động của Tứ Ân Đạo Phật.
Chương 3: Phương thức tu hành và tư tưởng giáo lý của Tứ Ân Đạo Phật.
Chương 4: Đặc trưng thờ phụng của Tứ Ân Đạo Phật.
Chương 5: Hệ thống nghi lễ và lễ cúng của Tứ Ân Đạo Phật.
Chương 6: Ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống tinh thần và đời sống vật chất của tín đồ.
Chương 7: Ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội, và dự báo về hoạt động của cộng đồng tín đồ Tứ Ân Đạo Phật trong tương lai.