Matière et mémoire là tác phẩm thứ hai của Henri Bergson được xuất bản lần đầu tiên năm 1896. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm trân trọng giới thiệu bản dịch tiếng Việt của Linh mục Cao Văn Luận, xuất bản lần đầu năm 1963 tại Huế, với tên gọi Vật chất và kí ức. Trong tác phẩm này, Henri Bergson tranh luận với các nhà khoa học về bộ não (nghiên cứu các bệnh, các hội chứng liên quan đến não). Song lí do sâu xa là để đề cập tới vấn đề tranh luận muôn thuở của triết học: vật chất – tinh thần và mối quan hệ giữa chúng.
Henri Bergson nghiên cứu mối tương quan giữa vật chất và kí ức, đồng thời từ những gợi ý theo quan niệm của ông về ý thức trực tiếp hay sự trực quan (intuition) và ý niệm về dòng tồn tục (la durée), hai chủ đề chính của tác phẩm đầu tay của ông (Essai sur les données immédiates de la conscience – Khảo luận về các dữ kiện trực tiếp của ý thức), ông cố gắng vượt bỏ ngay chính sự đối lập nhị nguyên giữa quan điểm duy tâm-duy ý niệm (idealiste) và duy thực (réaliste) được ông gọi là những khó khăn về lí luận.
Henri Bergson vẫn giữ quan điểm nhị nguyên luận (dualiste), ông coi tinh thần là có thực, vật chất là có thực. Song ông phản đối quan điểm duy thực quy tinh thần vào vật chất. Quan điểm duy thực xem các sự vật ở bên ngoài (ở bên ngoài tinh thần ta) là tồn tại độc lập, hoạt động theo những quy luật của tự nhiên. Vai trò của ý thức chỉ là sự tri giác thuần tuý, tức là nó chỉ giới hạn ở việc “giữ lại” dòng chảy trôi liên tục của trí nhớ về những “khoảnh khắc” tri giác được dưới dạng những hình ảnh (image). Những “khoảnh khắc” ấy thuộc về sự vật chứ không thuộc về ý thức. Bergson xem thân xác của con người cũng là một hình ảnh, một hình ảnh quan trọng nhất và chính thân xác cũng biến đổi. Mọi sự tri giác đều thông qua thân xác và như thế sự tri giác cũng biến đổi theo thân xác.
Nhưng thân xác ta đâu có tri giác trực tiếp. Phải thông qua các biểu tượng. Tri giác là “biết” và kí ức tức là sự “nhận ra lại” (hay sự “nhận thức”: reconnaissance). Như thế, kí ức có nguồn gốc vật chất nhưng mang “bản tính” tinh thần. Tinh thần không phải là cái gì tiếp nhận thụ động các sự vật ở bên ngoài. Nó cũng không gán các ý niệm phổ biến cho sự vật ở bên ngoài (duy ý niệm). Bergson phản đối Descartes – người coi tinh thần và thể xác là hai bản thể riêng biệt: bản thể tư duy và bản thể có quảng tính. Bergson coi tinh thần và vật chất được nối liền nhau qua thân xác. Các nhà khoa học về não (nhất là Théodule Ribot) coi kí ức là cái có “địa điểm” ở bên trong bộ não. Bergson coi kí ức là tinh thần. Sự tổn thương não làm rối loạn hoạt động kí ức, nhưng kí ức không “biến mất”. Kí ức chỉ bị “bất lực”, bị mất hiệu lực. Thân xác ta là trung tâm hoạt động. Lúc này, nó không thể hoạt động hồi tưởng một cách đúng nghĩa được nữa. Bergson phân biệt hai hình thức kí ức: một kí ức-thói quen (học thuộc lòng) và một kí ức-hồi tưởng. Trong loại thứ hai ngoài việc “nhớ lại” thuần tuý còn có cả tưởng tượng, suy tưởng, phát ngôn – những năng lực thuần tuý tinh thần.
Tinh thần “mượn” của vật chất các tri giác để tìm ra thức ăn “nuôi” mình và nó “trả lại" cho vật chất chính các tri giác ấy nhưng lúc này dưới hình thức vận động có mang dấu vết tự do của tinh thần (Henri Bergson).
Để tái bản lần này chúng tôi cố gắng nhuận sắc lại bản dịch, trong mức độ khả năng cho phép, hết sức thận trọng khi hiệu chú, cố gắng thêm các chú thích và đổi chính tả sang cách quen thuộc hiện nay. Một số cách dịch thuật ngữ (không nhiều) được chúng tôi thay bằng cách dịch phổ biến hiện nay đã được chấp nhận. Ví dụ “représentation” là “biểu tượng”, đôi khi là “tư duy biểu tượng” hoặc “quan niệm”, “ảnh tượng” được chúng tôi thay bằng “hình ảnh” (image). Tất cả những chỗ thay thế đều được chúng tôi nói rõ bằng chú thích ở cuối trang. Mọi sai sót, sơ suất nếu có đều hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của người hiệu chú.