Ngày 18 tháng Tư năm 1978, quân Khmer Đỏ tràn vào xã Ba Chúc (An Giang), chặn các ngả đường, dồn dân thường vào trường học và chùa chiền. Sau đó, chúng thẳng tay tàn sát dã man: thường dân bị chúng bắn, bị cắt họng hoặc bị đánh đập bằng gậy cho tới chết. Trẻ em bị tung bổng lên không sau đó bị chém bằng lưỡi lê. Phụ nữ bị hiếp dâm tập thể và đóng cọc vào cơ quan sinh dục cho tới chết. Những người sống sót nhanh chóng trốn vào chùa Tam Bửu và chùa Phi Lai ẩn náu, nghĩ rằng ở nơi cửa Phật thì bọn chúng sẽ tha. Nhiều người chạy lên núi Tượng để trốn, tuy nhiên không mấy ai thoát khỏi trận tàn sát của quân Khmer Đỏ.
Trong 11 ngày đêm chiếm đóng (18 đến 30 tháng Tư năm 1978), quân diệt chủng Khmer Đỏ đã dìm người dân Ba Chúc trong biển máu bằng vô số màn giết người dã man chẳng khác gì thời trung cổ. Cùng với việc diệt chủng, đám quân tàn ác ấy triệt để thực hiện khẩu hiệu “Đốt sạch, giết sạch, phá sạch”. Đi đến đâu, chúng cướp bóc tài sản đến đó và vận chuyển về bên kia biên giới. Chúng phá huỷ, đốt sạch, từ nhà dân đến các công trình công cộng. Sau cuộc thảm sát, không một ngôi nhà nào ở Ba Chúc còn nguyên vẹn. Theo tài liệu thống kê, chỉ trong vòng 11 ngày đêm, bọn Pol Pot đã giết chết 3.157 người trong vụ thảm sát Ba Chúc. Trên 100 hộ bị chúng giết sạch không người sống sót, hơn 200 người chết và bị thương, cụt tay chân do đạp nhằm mìn và lựu đạn của quân Pol Pot gài lại. Chỉ có ba người sống sót sau vụ thảm sát!
Về từ hành tinh ký ức là tập ký sự về hồi ức của những nạn nhân, của những chứng nhân vụ thảm sát Ba Chúc kinh hoàng dạo đấy. Mời quý độc giả cùng đọc để những nạn nhân ấy không bị lãng quên, để cuộc thảm sát ấy không chìm vào dĩ vãng, và để nhớ rằng hòa bình không bao giờ miễn phí.
Sinh năm 1975, hiện là giáo viên dạy môn mỹ thuật Trường tiểu học “C” Chợ Vàm (huyện Phú Tân, An Giang). Chị là tác giả trẻ duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long được hội đồng chuyên môn và ban nhà văn trẻ giới thiệu lên BCH hội và đã được xét kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Bắt đầu viết từ năm 18 tuổi, đoạt giải nhất Văn chương Thủ Khoa Nghĩa do Hội VHNT An Giang kết hợp Sở GD&ĐT An Giang tổ chức năm 1994. Năm 2010, tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược của Võ Diệu Thanh đoạt giải nhì trong cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4 do Hội Nhà văn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ đồng tổ chức. Năm 2011, chị đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên trang mạng xã hội Yume...
Các giải thưởng văn học khác: giải nhất, nhì, ba cuộc thi viết Gương người tốt việc tốt trong phong trào khuyến học do Hội LHVHNT An Giang kết hợp báo An Giang và Hội Khuyến học An Giang tổ chức năm 2004; giải khuyến khích cuộc thi viết Kỷ niệm ba mươi năm giải phóng miền Nam do Hội LHVH An Giang tổ chức năm 2005; tập truyện Lời thề đá được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT xét tặng giải C năm 2008; giải nhì cuộc thi Truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long năm 2011; giải thưởng Truyện ngắn hay tạp chí Nhà Văn năm 2011...