Ấn bản đầy đủ nhất của “Việt Nam phong tục” - tập khảo cứu toàn diện về phong tục, tập quán của người Việt xưa của học giả Phan Kế Bính. Tập sách có thêm phần chú giải, hiệu chỉnh giúp độc giả ngày nay có thể hiểu rõ hơn tác phẩm.
"Việt Nam phong tục” là một nghiên cứu khá kĩ lưỡng, bức tranh toàn diện về phong tục, tập quán của người Việt, từ phong tục trong gia đình, làng xã đến phong tục quốc gia, xã hội được viết với văn phong hiện đại dù vẫn chịu ảnh hưởng của lối viết biền ngẫu đăng đối trong văn học cổ. Mỗi chương, mục đều được tác giả trình bày và diễn giải khúc chiết, ngắn gọn, rõ ràng với quan điểm khá tân tiến so với những người cùng thời.
“Ta ngoảnh lại mà xem những tục cũ thì tỏ ra nhiều điều ngày trước là hay mà bây giờ hóa ra hủ bại lắm rồi.
Đó cũng không phải là tổ tiên ta khi trước có vụng dại gì, chỉ là thời thế mỗi lúc một khác, mà mỗi lần biến cải thì cái trình độ khai hóa lại tấn tới thêm lên một tầng. Ấy cũng là cái lẽ tự nhiên của tạo hóa như thế.
Tuy vậy cái tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho các tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy.”
(Tựa, Việt Nam phong tục)
---
Thông tin về tác giả Phan Kế Bính
Phan Kế Bính (1875 – 1921), hiệu là Bưu Văn, quê ở làng Thụy Khê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông là một nhà báo, nhà khảo cứu và dịch giả nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỉ 20.
Tên tuổi của ông gắn liền với các tờ báo Ðông Dương tạp chí, Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn. Đặc biệt, ông có thời gian làm trong ban biên tập Đông Dương tạp chí, và nhiều tác phẩm của ông được đăng trên tạp chí này, tiêu biểu là “Việt Nam phong tục”.