Sao vầng dương còn chói sáng?
Chim chóc vẫn ca vang?
Chúng không hay thế giới sắp lụi tàn? “The End of the World”, nhạc và lời: Sylvia Dee/Arthur Kent
Một tác phẩm khoa học giả tưởng, truyện trinh thám và bản tuyên ngôn của chủ nghĩa hậu hiện đại kết hợp trong cuốn tiểu thuyết dung lượng đồ sộ. Murakami đã hợp nhất Đông - Tây, bi - hài, sự thờ ơ và lòng trắc ẩn, ngôn ngữ lóng thông tục và các tư tưởng triết học siêu hình trong câu chuyện đặc sắc về toán sư 35 tuổi li hôn trong hành trình đi xuống thế giới ngầm mang màu sắc Kafka dưới lòng Tokyo hiện đại. Kết quả là Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới với những tưởng tượng sáng tạo phóng túng và một trạng thái lắng đọng sâu xa của tâm thức, góp phần tạo nên thành công lớn làm gia tăng đáng kể lượng độc giả của Haruki Murakami trên toàn thế giới.
Tiểu thuyết "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" được trao Giải thưởng Văn học Tanizaki uy tín của Nhật Bản năm 1985.
Nhận định
“Một tiểu thuyết gia xuất sắc… ông nắm bắt được nỗi đau chung trong tâm hồn và trí óc của con người đương đại.” - Jay Mclnerney
“Tồn tại khái niệm kỳ bí mang tên Hiệu ứng Murakami: đọc sách của ông người ta trở nên trầm lặng, vì bắt buộc phải chìm đắm vào một trạng thái thiền.” - Frankfurter Allgemeine Zeitung
“Haruki Murakami thành công trong nỗ lực kết hợp Stephen King, Franz Kafka và Thomas Pynchon ở tác phẩm của mình. Ông là một trong những cây bút đương đại bậc thầy.” - Der Tagesspiegel
“Khi viết cuốn sách này, một hình mẫu quan trọng của tôi là huyền thoại về Orpheus xuống địa phủ tìm người vợ yêu đã khuất. Xưa kia con người từng quan niệm dưới bề mặt này còn một thực tại khác nữa. Giờ đây tôi vẫn tin như vậy, dĩ nhiên là hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Có thể hình dung thế giới chúng ta đang sống là một ngôi nhà. Có tầng trệt, tầng lầu và tầng hầm. Tôi tin bên dưới tầng hầm vẫn còn tầng hầm nữa. Nếu thực sự muốn, chúng ta sẽ tìm được đường đi xuống. Cuốn tiểu thuyết này dẫn dụ ta theo hướng đó.” - Haruki Murakami, 2003