Một cách khái quát, tác phẩm Xuất hành bắt đầu kể lại cảnh con cái Ít-ra-en sống bên Ai-cập. Rồi một vị vua mới không biết Giu-se, người đã giúp Ai-cập thoát khỏi nạn đói khát, áp bức con cái Ít-ra-en và bắt họ làm nô lệ (Xh 1,1-22). Đoạn mở đầu này ví tựa phần chuyển tiếp giữa chuyện gia đình các tổ phụ đã được kể nơi tác phẩm Sáng thế và chuyện của một dân sẽ được kể ở Xuất hành. Rồi Xuất hành kết thúc với việc mô tả “vinh quang Đức Chúa tràn ngập Nhà Tạm” ở núi Xi-nai (x. Xh 40,34-38), nghĩa là Thiên Chúa là Đấng uy quyền giải thoát Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập cũng là Đấng dấn bước đến ở giữa dân Ngài trong Nhà Tạm. Như vậy, từ phần mở đầu tới phần kết thúc, tác phẩm Xuất hành thuật lại chặng đường Ít-ra-en đi từ Ai-cập tới núi Xi-nai. Vậy, dựa vào tiêu chuẩn không gian này, đa số các học giả chia sách Xuất hành làm ba phần: • Ra khỏi Ai-cập (Xh 1,1 – 15,21) • Từ Biển Sậy tới núi Xi-nai (Xh 15,22 – 18,27) • Quanh núi Xi-nai và Giao ước (Xh 19 – 40)