Tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng từ các chính sách kinh tế của chính phủ và các quyết định kinh tế tư nhân. Không ai có thể trở thành một cử tri am tường hoặc thậm chí là một độc giả thông hiểu những tờ nhật báo mà lại không có kiến thức về kinh tế học. Và liệu ai có thể trù tính cho tương lai mà chúng ta và con cháu chúng ta sẽ sống và làm việc, mà lại không hiểu được những lực lượng quyết định đời sống kinh tế của chúng ta? Các vấn đề chính sách kinh tế mà chúng ta tranh luận hôm nay - chính sách thương mại, lạm phát, vai trò đích thực của chính phủ, xóa đói giảm nghèo và những biện pháp tăng trưởng kinh tế - đã được các nhà kinh tế thảo luận hơn hai thế kỷ rồi. Nhiều chính sách kinh tế hôm nay - cả những chính sách hay lẫn chính sách dở - đều là kết quả tư tưởng của các nhà kinh tế trong quá khứ. Và bạn chỉ có thể hiểu được những tranh cãi về chính sách kinh tế hiện nay nếu đã từng làm quen với những tư tưởng của các nhà kinh tế trước đây.
Các kinh tế gia vĩ đại trong hai thế kỷ trước là những người có liên quan đến nhiều vấn đề chính sách quan trọng trong thời đại của họ. Họ đã nghiên cứu sự vận hành của nền kinh tế nhằm tạo ra những chính sách kinh tế tốt hơn. Nhưng mặc dù liên quan đến chính sách, họ lại không phải là nhà bút chiến hay chính trị gia, mà là những người muốn thuyết phục những người đương thời đang nắm quyền lãnh đạo chính phủ, và công chúng rộng rãi, bằng sự phân tích và những bằng chứng đáp ứng được các tiêu chuẩn của việc tranh luận mang tính chuyên nghiệp.
Cũng như bất kỳ một khoa học nào, kinh tế học phát triển được nhờ vào việc phát hiện ra các hạn chế của những tư tưởng trước đó. Mặc dù kinh tế học không có cơ hội để làm thí nghiệm như những ngành khoa học tự nhiên, các nhà kinh tế học có thể dùng các quan sát có tính hệ thống và phân tích kinh nghiệm thực tế để loại bỏ những lý thuyết cũ và phát triển các lý thuyết mới. Những thay đổi trong công nghệ, trong môi trường thể chế và chính trị đã thúc đẩy quá trình rút ra các kết luận chắc chắn về tác động có thể có của các chính sách kinh tế khác nhau. Có thể phải mất hàng thập kỷ để khẳng định một vấn đề nào đó, và những thế hệ mới các nhà kinh tế và các chính khách làm chính sách có lẽ đã nhận thức được rằng những kết luận của quá khứ vẫn còn giá trị trong môi trường đang thay đổi hôm nay.
Adam Smith, nhà sáng lập ra kinh tế học hiện đại hồi thế kỷ XVIII, đã bác bỏ lối tư duy thời kỳ đó khi ông lập luận rằng sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế về cơ bản là có hại và rằng, lợi ích của công chúng được đảm bảo tốt nhất nhờ cạnh tranh giữa những người mua và người bán riêng lẻ. Trong những năm gần đây, các chính phủ trên thế giới đều thừa nhận những ưu việt của kinh tế thị trường dựa trên kinh doanh tư nhân so với kinh tế kế hoạch hóa của chính phủ và sở hữu công cộng. Việc cắt giảm thuế ở Mỹ, sự tư nhân hóa các ngành công nghiệp quốc gia ở Anh và ở Pháp, sự trỗi dậy của nông dân Trung Quốc, và sự cải tổ kinh tế ở Liên Xô cũ mà người ta gọi là "perestroika" đều là những hậu duệ trực tiếp của những tư tưởng kinh tế trước đây của Adam Smith.
Những học thuyết của John Maynard Keynes, được phát triển ở nước Anh trong thời kỳ Đại Suy thoái những năm 1930, đã giúp các chính phủ tránh được tình trạng thất nghiệp trầm trọng. Nhưng những lập luận của Keynes chống lại tiết kiệm và ủng hộ tăng tiêu dùng lại đang dần bị bác bỏ vì những điều kiện kinh tế hôm nay đã trở nên rất khác so với thời đó. Hiện nay, chúng ta hiểu rằng tăng tiết kiệm về cơ bản có thể là cơ sở cho sự gia tăng đầu tư vào những nhà xưởng hay thiết bị mới và do đó, sẽ có được tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và mức sống cao hơn. Khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Hoa Kỳ) ra quyết định về chính sách tiền tệ và mức lãi suất, họ đều dựa vào những tư tưởng và những bằng chứng có liên quan trực tiếp tới tư tưởng của các nhà kinh tế học thế kỷ XIX như John Stuart Mill, cũng như những dữ liệu mới nhất được phát triển ở Washington. Khi các quan chức Bộ Tài chính (Hoa Kỳ) tranh luận những quy tắc thuế nào là thích hợp đối với kinh doanh và mỗi cá nhân, họ đều có thể dùng những lập luận phân tích có từ hơn một thế kỷ trước của David Ricardo và Alfred Marshall. Tương tự như vậy, việc phân tích chính sách thương mại, sự điều tiết năng lượng và môi trường, luật chống độc quyền đều dựa trên những tư tưởng đã được phát triển qua nhiều thế kỷ. Làm quen với những tư tưởng kinh tế này là rất quan trọng đối với bất kỳ ai muốn hiểu được các chính sách mới sẽ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào, và tại sao một số chính sách nào đó lại được lựa chọn.
Trong cuốn sách này, Todd Buchholz giới thiệu một cách sống động và thông minh những tư tưởng kinh tế then chốt thông qua việc nghiên cứu các nhà kinh tế vĩ đại, những người đã sáng lập nên môn khoa học này. Thay cho những mô hình hình thức và những biểu đồ phức tạp thường là tiêu điểm của các sách giáo khoa kinh tế hiện đại, tác giả đưa ra những giải thích rõ ràng, không mang tính kỹ thuật và những ví dụ phù hợp với thời đại. Tôi gặp Todd Buchholz lần đầu tiên khi ông đang giảng một phần trong khóa học về kinh tế học nhập môn ở trường Havard. Ông là một giảng viên tuyệt vời được tuyển chọn trong số 30 giảng viên từ khóa học để được nhận giải thưởng hằng năm dành cho giảng viên kinh tế học nhập môn xuất sắc. Kỹ năng truyền đạt trong lớp học của ông cũng được thể hiện tuyệt vời trong cuốn sách rất đáng được đọc này.