Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung là một trong những kiệt tác của văn học thế giới. Ngay từ khi được dịch sang chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết này đã được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt; từ đó đến nay có vô vàn ấn bản Tam Quốc ra đời, mỗi ấn bản lại mang một màu sắc khác nhau. Riêng Đông A vào các năm 2009 và 2011 cũng đã ấn hành hai bộ Tam Quốc theo bản dịch của Phan Kế Bính, do Bùi Kỷ hiệu đính, Nhà xuất bản Phổ thông in năm 1959; mỗi ấn bản là một lần bổ sung, hoàn thiện để bạn đọc hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm. Cũng với tinh thần ấy, bộ Tam Quốc diễn nghĩa 6 tập lần này lại có thêm nhiều điều mới mẻ về cả hình ảnh lẫn thông tin mà vẫn tôn trọng bản dịch đã được nhiều người yêu thích.
Bản in lần này có những sự bổ sung sau:
Số lượng tranh minh họa tăng lên 324. Các minh họa này có chất lượng cao, được lấy từ bộ "Tam Quốc diễn nghĩa liên hoàn họa" do Đông A mua bản quyền từ Nhà xuất bản Mĩ thuật Nhân dân Thượng Hải.
Thêm 3 Phụ lục: Bảng đối chiếu địa danh xưa - nay (theo bản in của Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, năm 1987). Niên biểu các sự kiện chính trong thời kỳ Tam quốc. Bảng tên trong “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Để cung cấp thêm thông tin về lịch sử xuất bản "Tam Quốc diễn nghĩa" tại Việt Nam, ngay sau phần Lời nói đầu của Bộ Biên tập, Nhân dân Văn học Xuất bản xã Bắc Kinh là bài viết "Hành trình truyện Tam Quốc diễn nghĩa ở Việt Nam" của tác giả Yên Ba - người đã dày công sưu tầm, nghiên cứu các ấn bản "Tam Quốc diễn nghĩa" bằng chữ quốc ngữ được xuất bản ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Bản đồ 3 nước: Ngụy, Thục, Ngô.
Lời bình của Mao Tôn Cương.
Thông tin tác giả La Quán Trung
La Quán Trung Sinh (khoảng 1330 - khoảng 14000) là tiểu thuyết gia Trung Quốc giai đoạn cuối thời Nguyên, đầu thời Minh. Tên tuổi của ông gắn liền với Tam quốc diễn nghĩa - một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc. Ông được cho là người chỉnh biên, hoặc viết phần sau tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am. Ông còn có một số tác phẩm tiêu biểu khác như Tùy Đường lưỡng triều chí truyện, Tàn Đường ngũ đại sử diễn nghĩa, Đại Đường Tần vương từ thoại…