Tây du ký là do chuyện một đồ đệ Phật giáo đi lấy kinh phát triển, biến diễn ra mà có. Trong quá trình phát triển ở dân gian, đặc biệt là sau khi đã qua tay Ngô Thừa Ân gọt giũa lại, câu chuyện đi lấy kinh đã từ một truyện ký của tín đồ tôn giáo biến thành một pho anh hùng truyền kỳ thần thoại.
“Cái được tả trong Tây du ký là một thế giới thần thoại kỳ diệu. Tây du ký mở rộng hết kho tưởng tượng phong phú không gì sánh được, có đầy đủ tình tiết truyện đưa người ta vào cảnh thắng thú vị: đời sống vui vẻ, tự do tự tại của bầy khỉ ở núi Hoa Quả, việc đại náo thiên cung, địa phủ và long cung, bảy mươi hai phép biến hóa, tám mươi mốt nạn trên đường; cho đến chỗ chiến trường tung đá bay cát, sự thần quái đi mây về gió, cuộc chiến đấu thần diệu kỳ dị... Tất cả những cái ấy đã đưa người ta tiến vào một thế giới ảo tưởng thần diệu”. - Nhà xuất bản Nhân dân Văn học Bắc Kinh (Trung Quốc)
Lần này, Đông A in lại bản dịch được bạn đọc yêu mến: Thụy Đình dịch, Chu Thiên hiệu đính; bổ sung gần 300 minh họa của họa sĩ khuyết danh sống vào thời nhà Thanh. Bộ sách chia 3 tập, bìa mềm có hộp.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:
NGÔ THỪA ÂN (1500 (?) – 1582 (?)) tự Nhữ Trung, hiệu Xạ Dương Sơn Nhân, là người ở huyện Sơn Dương, phủ Hoài An (nay thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Từ thuở thiếu niên, Ngô Thừa Ân đã nổi tiếng văn hay chữ tốt. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như Tây du ký, Vũ đỉnh chí, Xạ Dương tiên sinh tồn cảo. Trong số đó, Tây du ký là tiểu thuyết duy nhất của ông còn tồn tại đến ngày nay, góp phần làm nên đỉnh cao tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh.
MỘT SỐ NHẬN XÉT:
“Chuyện Tây Du là chuyện yêu quái, chúng ta xem xong chỉ thấy là thích, quên hết mọi sự hơn thua được mất, mà chỉ nhớ là xem thấy hay. Bản lĩnh của Thừa Ân chính là ở chỗ đó.” - Lỗ Tấn
“Từ câu chuyện lịch sử Đường Tăng trong cuộc Tây du thỉnh kinh đến bộ Tây Du Ký đồ sộ là cả một quá trình chắp nối trí tưởng tượng vừa ảo vừa thực của biết bao nhiêu tác giả vô danh và hữu danh. Tây Du Ký là bộ tiểu thuyết lãng mạn vĩ đại, cũng là kho tàng thần thoại quý giá của Trung Quốc.” - Giáo sư Lương Duy Thứ