Các bạn tôi ở trên ấy tập hợp nhiều bài viết sâu sắc và hấp dẫn của nhà văn Nguyên Ngọc về Tây Nguyên, mà trước hết và chủ yếu là con người Tây Nguyên. Họ là những người sinh ra lớn lên, gắn cả đời với Tây Nguyên; họ là người từ xa lạ đến Tây Nguyên nhưng rồi thuộc về Tây Nguyên mãi mãi; họ, có danh hoặc vô danh, đã sống, lao động, hát, kể, múa, tạc tượng; họ sáng tạo và thực hành nghệ thuật mỗi ngày; họ quan sát và nghiên cứu; họ quanh năm suốt tháng ở buôn làng mình và bất chợt tan biến trong đại ngàn mênh mông... Họ làm cho Tây Nguyên thực sự là Tây Nguyên trong mọi không gian thời gian, trong lối sống, tính cách, trong các giá trị vật chất và văn hóa.
Nguyên Ngọc còn phát hiện, diễn giải nhiều vấn đề hệ trọng khác. Đó là rừng - thực thể tâm linh, cội nguồn văn hóa của Tây Nguyên. Đó là làng, đơn vị cơ bản và duy nhất trong xã hội Tây Nguyên. Đó là nhà rộng, đàn t’rưng, k’lông put, rượu cần, lửa, sử thi, akhan, lễ hội, đàn đá,... nghĩa là những gì Tây Nguyên nhất, nhưng lại đang có nguy cơ mai một nhất, hoặc bị hiểu sai, bị ứng xử một cách sơ sài và có phần tùy tiện nhất. Tây Nguyên, vì thế, là nơi ông đọc hiểu quá khứ, đau đáu nghĩ về, nhớ lại và cũng là nơi chờ đợi, hy vọng hiện tại biết tôn trọng, thông hiểu và giữ gìn, ít hay nhiều, một Tây Nguyên như đã từng.
Các bạn tôi ở trên ấy, một tiếng nói gần nhất với tri thức bản địa, một quan sát kỹ lưỡng của chúng nhân, một thâm trầm và uyên bác của bậc hiền minh, sẽ thật cần thiết cho chúng ta trở về Tây Nguyên, khiến chúng ta được vỡ lẽ và ngẫm ngợi thường xuyên nhất về Tây Nguyên.
Thông tin tác giả Nguyên Ngọc
Nguyên Ngọc là bút danh của Nguyễn Văn Báu (ngoài ra ông còn có bút danh Nguyễn Trung Thành), sinh năm 1932 tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa có bề dày và chiều sâu sáng tác cũng như thái độ làm việc nghiêm túc trong nghệ thuật.
Sách đã xuất bản: Đất nước đứng lên; Mạch nước ngầm; Rẻo cao; Rừng xà nu; Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc; Đất Quảng; Tháng Ninh Nông; Tản mạn nhớ và quên; Nghĩ dọc đường; Lắng nghe cuộc sống; Bằng đôi chân trần; Đường chúng ta đi; Có một con đường mòn trên Biển Đông; Cát cháy; v.v.
Sách dịch: Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera); Rừng, Đàn bà, Điên loạn - Đi qua miền mơ tưởng Gia Rai (Jacques Dournes); Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (Svetlana Alexievich); v.v.