Cậu nhóc gặt gió là một câu chuyện có thật đáng chú ý về sự sáng tạo của con người cũng như sức mạnh của niềm tin để vượt qua nghịch cảnh.
William Kamkwamba sinh ra ở một làng nghèo tại Malawi, châu Phi. Năm cậu 14 tuổi, ngôi làng đối diện với nạn đói, dịch bệnh và thiếu nước trầm trọng. William buộc phải nghỉ học vì gia đình cậu không thể trả nổi học phí. Hàng ngày, cậu đến thư viện làng đọc sách và hứng thú với những cuốn sách viết về việc tạo ra điện bằng những chiếc cối xay gió. Malawi thiếu thốn nhiều tài nguyên nhưng lại rất sẵn gió, nên William quyết định làm một chiếc cối xay gió để thay đổi cuộc sống quê nghèo.
Cậu bắt đầu tìm vật liệu và mày mò nghiên cứu, chế tạo mặc cho mọi người nghi ngờ. Năm 2002, khi điện là một thứ rất xa xỉ với người dân châu Phi, khi cả làng phải đi ngủ lúc 7 giờ tối vì không có điện, thì cậu bé William đã gây chấn động bằng việc thắp sáng một bóng đèn từ chiếc cối xay gió tự chế của mình. Sau thành công đầu tiên, William tiếp tục tạo một hệ thống cối xay gió mạnh hơn, thắp sáng nhiều bóng đèn trong nhà, chạy đài và tivi, bơm nước cho các cánh đồng trong làng và cho sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân. Công trình sáng chế của William đã giúp cuộc đời cậu sang một trang mới. Cậu gây chú ý trên toàn thế giới và được nhiều người tài trợ việc học cũng như các dự án. Từ vùng quê nghèo, William đã tốt nghiệp đại học Dartmouth, trở thành diễn giả truyền cảm hứng cho rất nhiều trường đại học của Mỹ và các nước trên thế giới.
“Cậu nhóc gặt gió” dẫn dắt người đọc theo hành trình chinh phục giấc mơ của William. Ðó là một câu chuyện gian nan, đầy chông gai, trở ngại nhưng tràn đầy kiên trì và nghị lực. Ðể có vật liệu chế tạo cối xay gió, cậu phải lùng sục đống rác đối diện trường học để tìm cho ra một vài chi tiết máy, ống nhựa… Cậu thậm chí còn cầu xin được tháo rời chiếc xe đạp đã hỏng từ lâu nhưng vẫn rất được trân quý của bố để lấy các chi tiết. Quý nhất là người bạn thân Geoffrey đã hết lòng giúp đỡ cậu, dành tiền tiêu vặt để mua cho William những thứ cần thiết.
Vậy mà khi thành công và mang điện về cho làng quê nghèo, cậu bị chỉ trích vì có người cho rằng chính cối xay gió đã thổi gió đi xa, khiến toàn bộ vùng rơi vào hạn hán nặng. Sự nghèo nàn, lạc hậu, thiếu hiểu biết của dân làng là cản ngại lớn nhất khiến nhà phát minh nhí phiền lòng, chán nản. Nhưng niềm tin mãnh liệt và khao khát vươn lên đã tiếp thêm động lực cho cậu bé kiên trì thực hiện ước mơ của mình đến cùng, khiến mọi người thay đổi cách nhìn, cách nghĩ. Tác phẩm còn làm lay động lòng người khi khắc họa cuộc sống thiếu thốn, nghèo khổ của người dân châu Phi qua nạn đói, hạn hán, dịch bệnh…
Cuốn sách này sẽ truyền cảm hứng cho bất cứ ai còn nghi ngờ về sức mạnh quyết tâm của một cá nhân dám đứng lên để thay đổi và cải thiện cuộc sống của cả một cộng đồng.
Nhận xét đánh giá giành cho cuốn sách Cậu Nhóc Gặt Gió
"Cuốn sách này là minh chứng cho sức mạnh của ước mơ và sự tự do – nó đến từ việc hướng tới, xây dựng và hoàn thành một lối sống bền vững. Khi đọc Cậu nhóc gặt gió, tôi mong các bạn sẽ hành động theo thông điệp cao cả mà cuốn sách truyền tải cũng như lan truyền ý nghĩa của nó." - CARTER ROBERTS, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF)