Những hồi ức về quê hương, gia đình và cuộc đời chiến đấu của AHLLVT - phi công tiêm kích Mig21 huyền thoại Nguyễn Đức Soát.
Trích dẫn sách Bầu Trời - Trường Đại Học Của Tôi
“Rõ ràng là các trận không chiến đã ăn sâu trong tiềm thức của các phi công. Bởi đó là những giây phút cực kỳ ác liệt. Khi con người và máy bay đã gắn kết thành một thực thể. Khi tài năng và trí tuệ được huy động đến mức tối đa. Khi ranh giới giữa chiến thắng và thất bại hết sức mong manh. Khi mỗi sai lầm dù nhỏ nhất cũng dẫn đến thảm họa. Và thời gian đấu trí giữa hai bên chỉ được tính bằng giây, bằng phút.”
“Nhật ký phi công tiêm kích" là những ghi chép của Trung tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát suốt 7 năm 1966-1972.
Trong cuộc chiến đấu trên không năm 1972, phi công tiêm kích Nguyễn Đức Soát trực tiếp bắn rơi 6 máy bay, với cương vị Đại đội trưởng cùng Đại đội 3 Trung đoàn phi công tiêm kích 927 lập công xuất sắc, bắn rơi 29 máy bay Mỹ các loại. Qua thực tế chiến đấu, ông đề xuất tổ chức các trận đánh “biên đội 4 máy bay”. Kết thúc các trận không chiến, phi công Nguyễn Đức Soát được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại đội 3 Trung đoàn tiêm kích 927 được tuyên dương đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ 2.
Chính vì một bầu trời luôn trong sáng mà bao đồng chí thân yêu của tôi đã không trở về, họ mãi mãi sống trong "đại dương thứ năm", mãi mãi "sống trên bầu trời quê mẹ". ...Suốt đời tôi mãi tri ân những người bạn chiến đấu cùng thời, những người chỉ huy tài ba, những người cán bộ làm công tác chính trị, tham mưu, bảo đảm kỹ thuật, hậu cần. Tất cả đã giúp cho tình yêu bầu trời của tôi được trọn vẹn. Suốt đời tôi luôn có khát vọng bầu trời quê mẹ luôn xanh trong và mãi mãi bình yên! - Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SOÁT
Cuốn“Nhật ký phi công tiêm kích” được chia làm 3 phần. Phần Một: Học bay. Phần Hai: Chuẩn bị hành trang. Phần Ba: Xung trận. Ngoài ra còn có thêm ảnh tư liệu, phần “Mục từ” thống kê những phi công tiêm kích Việt Nam và một số phi công Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, những sĩ quan chỉ huy ở cả hai phía…có ích rất nhiều cho những ai muốn tìm hiểu về “những trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam”…
Điểm độc đáo của“Nhật ký phi công tiêm kích”là việc để bạn đọc dễ tiếp cận các sự kiện. Trước mỗi giai đoạn, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đều viết thêm “lời dẫn”, làm rõ hơn các sự kiện mà trong nhật ký, do là người trong cuộc, ông chỉ ghi tóm tắt. Đồng thời, ông cũng bổ sung một số thông tin sau một số trang nhật ký nhằm làm rõ hơn về những phi công chiến đấu quả cảm mà hành động của họ là những gương sáng để các thế hệ sau noi theo… Đó là những chỉ huy trực tiếp của phi công Nguyễn Dức Soát: các Anh hùng Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Nhật Chiêu… Đó là những đồng đội như các Anh hùng Lê Thanh Đạo, Nguyễn Tiến Sâm, Đỗ Văn Lanh, Bùi Đức Nhu, Nguyễn Văn Nghĩa, Hán Vĩnh Tưởng. Và 3 phi công được truy tặng danh hiệu Anh hùng là Vũ Xuân Thiều, Ngô Duy Thư và Hòang Tam Hùng…
Thông tin tác giả Nguyễn Đức Soát
Nguyễn Đức Soát Sinh ngày 24 tháng 6 năm 1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), là Trung tướng - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân (1997- 1999); Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (1999- 2002). Ông từng là một phi công MiG-21 xuất sắc và được coi là một trong các Át chủ bài của Không quân Nhân dân Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.