Giới thiệu sách Bốn Năm Sau Và Những Trang Viết Về Điện Biên
Nội dung cuốn sách cơ bản được tổ chức thành hai phần: tiểu thuyết Bốn năm sau kể về công cuộc tái thiết Điện Biên của các chiến sĩ sư đoàn 316, bốn năm sau ngày giải phóng (tác phẩm đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật) và những trang nhật ký của tác giả, cùng thư từ gửi về cho gia đình, bạn bè văn nghệ trong chuyến đi thực tế dài hơn bốn tháng (8-12/1958) ở Điện Biên.
Cần biết thêm rằng, Nguyễn Huy Tưởng là người dẫn đoàn nhà văn đầu tiên lên Điện Biên Phủ (“Tổ Điện Biên”) kể từ sau ngày chiến sự; tham gia vào mọi công việc lao động thường nhật của các chiến sĩ xây dựng mảnh đất Tây Bắc lịch sử này.
Tác phẩm được thai nghén chính trong cái khó khăn, vất vả của một đời sống xây dựng chuyên cần, vị lai, không ngưng nghỉ một phút giây nào ấy. Một ấn bản được biên soạn công phu và giàu tâm huyết, như một việc làm ý nghĩa và thiết thân để kỷ niệm sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thảo xong Sống mãi với Thủ đô, Tập 1, về ba ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng viết xen Lũy hoa, và kết thúc truyện phim này vào ngày 15-6-1959, khi căn bệnh hiểm trong mình đang phát lộ, để chỉ hơn một năm sau, ngày 25-7-1960 thì nhà văn qua đời.
Nếu Sống mãi với Thủ đô tạm dừng ở ba ngày đêm đầu của cuộc chiến thì Lũy hoa cho ta chứng kiến cuộc chiến diễn ra trong suốt 60 ngày đêm, cho đến khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội, để cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch; cùng với một khúc vĩ thanh đậm in dấu ấn lãng mạn 7 năm sau đoàn quân chiến thắng trở về, trên những phố xưa…
Thông tin tác giả Nguyễn Huy Tưởng
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởngsinh ngày 6.5.1912 trong một gia đình Nho giáo ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội). Những năm tháng tuổi trẻ, ông tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng; hoạt động Truyền bá quốc ngữ, Hướng đạo sinh. Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tháng 8.1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử tham dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của hội Văn hóa cứu quốc và là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Sau 1954, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành. Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Do mắc bệnh hiểm nghèo, ông mất ngày 25.7.1960 tại Hà Nội. Trong cuộc đời sáng tác văn chương, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đợt I, năm 1996.