Những người trong độ tuổi thanh xuân và đang yêu thường hay phàn nàn rằng trong những người bạn họ gặp, người nào có vóc dáng xinh đẹp thì người đó có xu hướng càng vô duyên. Tại sao có nghịch lí này? Khái niệm “selection bias” có thể giúp chúng ta giải thích hiện tượng này.
Có thể nói rằng ngưỡng P < 0.05 đã trở thành một loại sổ thông hành cho công bố khoa học. Bởi vì Công bố khoa học dẫn đến tài trợ, đề bạt, giải thưởng, và uy danh, nên giới nghiên cứu khoa học rất dễ bị cám dỗ bởi trị số này, và họ có thể làm tất cả để có P < 0.05. Những “thủ thuật” họ có thể làm bao gồm tra tấn dữ liệu (data torture) và P-hacking.P-hacking là một thuật ngữ tương đối mới chỉ hành vi phân tích chọn lọc và nhiều lần cho đến khi đạt được trị số P như mong muốn. Cứ 100 dữ liệu hoàn toàn “âm tính nhưng với P-hacking giới khoa học có thể biến 60 dữ liệu thành “dương tính". Trong thực tế, P-hacking rất ư phổ biến trong khoa học nhưng không ai muốn đề cập đến (do mắc cỡ) và do đó sản xuất rất nhiều kết luận sai và xạo.
Thống kê là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Khoa học thống kê giúp cho các nhà khoa học khai thác và khám phá những qui luật tiềm ẩn trong dữ liệu lớn. Tuy quan trọng như thế, nhưng đa số sinh viên đều cảm thấy khoa học thống kê là một môn học đáng sợ. Quyển sách này có mục đích đơn giản là làm cho bạn đọc yêu môn thống kê như là một nghệ thuật.
Bạn đọc sẽ làm quen với ý nghĩa và ứng dụng xác suất trong đời thường, và sẽ biết qua những qui luật thống kê hết sức thú vị và mang tính ứng dụng rất cao. Ai trong chúng ta cũng biết số trung bình là gì, nhưng qua cuốn sách này các bạn sẽ biết được lịch sử và sự ra đời của số trung bình như thế nào. Bạn đọc còn biết những nhà thống kê học lừng danh cùng những đóng góp của họ như Francis Galton, Karl Pearson, William Sealy Gosset (người phát kiến kiểm định t), Ronald Aylmer Fisher, C. R. Rao, David R. Cox, và Richard Doll.
Tính đến nay (2025) tôi đã định cư ở Úc gần 45 năm. Trong quãng thời gian đó, tôi đã sống và hít thở không khí của các trường đại học Úc và phương Tây hơn bốn thập niên. Trải qua những ngày đầu là một sinh viên bỡ ngỡ, vật lộn với tiếng Anh và văn hóa mới, đến những năm tháng làm giáo sư và lãnh đạo trong một cộng đồng khoa học, tôi tự hỏi trong thời gian đó mình đã học được gì và có thể chia sẻ gì với các bạn trẻ hơn. Cuốn sách này là một nỗ lực nhằm trả lời câu hỏi đó. Tôi sẽ chia sẻ về hành trình học hành của tôi. Đó là một sự nhìn lại và chiêm nghiệm về giáo dục đại học và hoạt động khoa học cùng những suy tư về giáo dục đại học ở Việt Nam. Cuốn sách được chia thành ba phần. Phần đầu tiên theo chân hành trình cá nhân của tôi, từ những khó khăn ban đầu khi bước vào giảng đường đến những trải nghiệm tại các trường đại học Úc. Tôi bị “ấn tượng” bởi phong cách giảng dạy vừa thoải mái nhưng vô cùng hiệu quả của những người thầy tôi. Tôi kể về chặng đường học tiến sĩ của mình, những thử thách khi viết bài báo khoa học đầu tiên, và sự bất định trong nghiên cứu khoa học. Trong phần thứ hai, tôi suy nghiệm hành trình học thuật của mình và chia sẻ những bài học và kinh nghiệm với bạn đọc. Tôi bàn về các khía cạnh quan trọng của đời sống học thuật như quy trình phản biện khoa học, kỹ năng viết bài nghiên cứu, tham gia hội nghị, và những vẫn đề đạo đức mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt. Tôi giới thiệu các phương pháp thực tiễn, như công thức IDEA trong viết văn khoa học và phương pháp MOLIA trong báo cáo nghiên cứu. Ngoài ra, tôi cũng phân tích những vấn đề sâu xa hơn, bao gồm tâm lý học thuật, tác động của chủ nghĩa cá nhân trong khoa học, và những cạm bẫy thường gặp trong nghiên cứu. Phần thứ ba mở rộng thảo luận về giáo dục đại học tại Việt Nam, nơi tôi đã quay về với những đóng góp có ý nghĩa. Tôi đặt ra những câu hỏi nền tảng: Sứ mệnh thực sự của một trường đại học là gì, tự do học thuật có ảnh hưởng như thế nào đến việc kiến tạo tri thức mới, xếp hạng đại học có ý nghĩa ra sao đối với Việt Nam. Tôi phân tích cấu trúc đào tạo tiến sĩ, những thách thức trong quá trình chuyển đổi từ nghiên cứu sinh thành nhà khoa học độc lập, và những hiểu lầm phổ biến về danh hiệu “giáo sư”. Phần này kết thúc bằng những để xuất cải cách trong quá trình bổ nhiệm giáo sư, nhằm đưa ra những góc nhìn về cách mà hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có thể phát triển để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cuốn sách này không phải là một hồi ức theo nghĩa truyền thống. Một số nội dung trong sách đã được viết lại từ những bài đã đăng trên các diễn đàn báo chí như Tuổi Trẻ cuối tuần và mục Góc nhìn (VnExpress), và theo tôi biết, đã thu hút chú ý của bạn đọc. Tôi muốn xem đó là những suy nghĩ và khám phá về thế giới học thuật. Cuốn sách được viết dành cho sinh viên đang tìm kiếm định hướng, cho giảng viên đang trăn trở về vai trò của mình, và cho các nhà hoạch định chánh sách đang xây dựng tương lai..