Hỡi ôi cương thường lộn đảo rối ren. Hỡi ôi tiếng lầm than của con dân. Hỡi ôi tiếng nức nở da diết khắc tạc vào mỗi lớp lang tháng ngày. Trong cái vẳng xa của hồi trống thu không gọi lớp sương đen phủ lên thời đại, một ngọn cờ lẳng lặng mà sục sôi vươn lên từ lớp lớp sỏi đá, núi non. “Lúc ấy anh em Nguyễn Nhạc là người dân mặc áo vải, dấy binh ở ấp Tây Sơn, chống nhau với Chúa Nguyễn để lập nghiệp ở đất Quy Nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu địch, nhưng mà đối với nước Nam, thì chẳng qua cũng là một người anh hùng lập thân trong lúc biến loạn đó mà thôi.” (Trích Việt Nam sử lược, Sử gia Trần Trọng Kim bình năm 1920).
Lịch sử trong Vua Tây Chúa Nguyễn là lịch sử đầy biến động về thời kỳ chiến tranh Nam Bắc, một giai đoạn binh đao rực lửa. Ngô Tất Tố không đứng về bất kỳ phe phái nào, ông kể chuyện lịch sử với lối tường thuật pha chút hư cấu, khiến từng trang sách lôi cuốn người đọc vào từng cuộc chiến. Chính những cuộc chiến đó, không chỉ vì dòng tộc, mà còn vì nước, vì dân, vì cả những toan tính quyền lực. Tất cả hòa quyện lại, tạo nên một dấu ấn lịch sử bi hùng.
—-------------------
“...khắp cả gầm trời, đâu đâu cũng là đất của dân, chỉ có những kẻ lưng cao khố đen chân lấm tay bùn, mới đáng làm chủ miếng đất của họ ăn ở, cày cấy. Mảnh đất Thuận Quảng cũng vậy, đều của nhân dân Thuận Quảng đã trải nhiều đời khó nhọc mà mở mang ra, chứ những người khác, mà ai giúp đỡ cho họ một mũi cầy một nhát cuốc nào mà dám nhận vơ là đất của nhà mình”
Giữa rừng nho bạt ngàn, Hồ Xuân Hương tựa như quả nho chín mọng - ngọt ngào, mà cũng chua chát. Mỗi vần thơ bà để lại cho hậu thế đều phảng phất hương vị đó, nó chân tình và mãnh liệt đến mức chỉ chút lơ là cũng đủ khiến cảm xúc chực trào ra. Ai đã trót nếm thử thì sẽ lại muốn nhấm nháp thêm, để ngẫm, để cảm cái đắng chát lắng đọng nơi đáy lưỡi. Và cái vị ấy ủ đầy trong nỗi tâm tư của bà: “tôi không thể chịu nổi những thứ đạo đức giả dối, những cái lễ giáo bó buộc, tôi phải sống bằng tư tưởng tự nhiên của trời cho tôi, có động chạm gì đến ai đâu, vậy mà người ta không muốn khoan thứ, đua nhau phao mãi cho tôi tiếng này tiếng khác, nín không được thì tôi phải kêu.” Rồi tiếng kêu này về đâu? Nó lọt thỏm trong rừng nho, giữa rừng đời rối ren. Để rồi chỉ còn mỗi tiếng vọng tự tình xa xăm của người nữ sĩ họ Hồ.
Giáo sư Hà Minh Đức từng bình về Ngô Tất Tố: “Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa cổ và hiện đại. Nhà Nho lão thành cũng lại vô cùng sắc sảo quan tâm sâu sắc đến nhiều vấn đề xã hội”. Qua Trong rừng nho ta sẽ thấy hình ảnh một người phụ nữ táo bạo, vượt lên thời đại được thể hiện xuất sắc dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố.