Ngày 05/8/1967, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp đã chỉ đạo Trung đoàn xe tăng 203 thành lập Tiểu đoàn xe tăng 198, trang bị 22 xe tăng PT-76, hành quân vượt chặng đường hơn 1.000 km vào chiến trường miền Nam, sẵn sàng tham gia chiến đấu. Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, lực lượng Tăng thiết giáp lần đầu tiên tham gia chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành, đánh thắng hai trận then chốt ở Tà Mây ngày 24/01/1968 và Làng Vây ngày 07/02/1968. Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây là chiến thắng đầu tiên của Bộ đội Tăng Thiết giáp, khẳng định sức mạnh của bộ đội Tăng Thiết giáp trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng tiến công căn cứ phòng ngự kiên cố của địch, đạt hiệu quả chiến đấu cao, đồng thời mở ra truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng Thiết giáp Việt Nam.
Những năm tiếp theo, bộ đội Tăng Thiết giáp tham gia chiến đấu trên chiến trường khắp các nước Đông Dương với quy mô ngày càng lớn, góp phần đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch năm 1971, lập công lớn trong chiến cuộc Xuân Hè 1972 và bảo vệ vùng giải phóng các năm 1973-1974. Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng Tăng thiết giáp tham gia chiến dịch Tây Nguyên đánh đòn điểm huyệt mở đầu, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, góp phần giải phóng Tây Nguyên. Tiếp đó tham gia chiến dịch Huế- Đà Nẵng, góp phần giải phóng các thành phố Huế, Đà Nẵng và một loạt tỉnh miền Trung, tập trung lực lượng cơ động “Thần tốc đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Tăng Thiết giáp đã dẫn đầu năm cánh quân trên cả năm hướng đồng loạt tiến công thần tốc giải phóng Sài Gòn-Gia Định. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, hai xe tăng mang số hiệu 843 và 390 của Đại đội Xe tăng 4 dẫn đầu đội hình, húc tung cánh cổng sắt tiến thẳng vào Dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội Xe tăng 4 đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập. Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Bùi Văn Tùng thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng của Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.
Hành trình đến ngày chiến thắng chẳng hề dễ dàng như có người đã từng suy nghĩ: về không gian nó trải dài hàng nghìn cây số, về thời gian là nghìn ngày có lẻ cùng với bao mất mát, hy sinh, anh hùng và hèn nhát, cao thượng và thấp hèn, vinh quang và cay đắng… Cuốn sách này của một chiến sĩ trong đại đội viết ra xin kể về hành trình đó, như một nén tâm nhang thắp cho những người đã khuất và cũng là món quà tặng cho những người đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với đời thường.