Tiếp nối những quan tâm sâu rộng về phong tục, tập quán của người Việt, Nguyễn Văn Huyên đã lựa chọn hướng tiếp cận có tính chất bước ngoặt trong sự nghiệp học thuật của ông: địa lý hành chính và những thiết chế của nó trong việc định hình nên đặc thù của một cộng đồng cư dân.
Với việc tập trung khảo sát tỉnh và tổng như là những đơn vị hành chính riêng khác của Việt Nam truyền thống, Nguyễn Văn Huyên đã phác nên một bức tranh đầy sinh động về cộng đồng cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ vừa gắn bó chặt chẽ, yên bình sau luỹ tre làng, vừa ngấm ngầm những mâu thuẫn, tranh chấp với nhau.
Địa lý hành chính dưới góc nhìn là sự phân cấp và quản trị các đơn vị địa lý, cũng góp phần cho thấy vai trò của nhà nước trong những vấn đề thường trực ở địa phương (như điều kiện y tế, giáo dục và đối với sự gia tặng hoặc suy giảm của tỷ lệ sinh/tử, nam/nữ…)
Do tình thế rối rắm ở Việt Nam những năm 1940, một số nghiên cứu về địa lý hành chính của Nguyễn Văn Huyên chưa có cơ hội xuất bản. Sự xuất hiện trở lại của các công trình này chắc chắn gợi nhiều tham khảo quan trọng và cho chúng ta những phát hiện thú vị về phong tục, tập quán của người Việt.
Thông tin về tác giả Nguyễn Văn Huyên
Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) là giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất (28 năm).
Học giả Nguyễn Văn Huyên đã để lại nhiều nghiên cứu giá trị về văn hoá Việt Nam như: Văn minh Việt Nam, Sinh hoạt của người Việt, Hội hè lễ tết của người Việt và ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH VÀ TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI VIỆT, bạn đọc sẽ được tiếp cận 2 di cảo chưa từng được công bố của ông.
ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH VÀ TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI VIỆT được nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn sưu tầm, tuyển chọn và viết lời giới thiệu.