Nguyên tác tiếng Đức: Maria als “spes nostra, salve”. Erfüllung und Erläuterung des christlichen Glaubens
Bài nghiên cứu của thầy Eugenio Nguyễn Mạnh Ý với chủ đề: “Đức Maria “spes nostra – niềm hy vọng của chúng con”, một soi sáng và hoàn thiện đức tin Kitô giáo” là một nỗ lực chú giải Thánh thi Salve Regina nhằm đáp trả những chỉ trích của Martin Luther và nhóm Tin Lành thời kỳ đầu nhắm vào Thánh thi này và qua đó là nhắm vào việc tôn kính Đức Maria trong Giáo hội Công giáo, điều mà Luther cho là thờ ngẫu tượng và xúc phạm Thiên Chúa vì dám đặt Đức Maria ngang bằng Thiên Chúa.
Luận án bao gồm ba phần lớn. Sau lời dẫn nhập ngắn, trong đó tác giả nêu lý do chọn đề tài và lòng mộ mến lời kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương), là phần (1) giới thiệu lịch sử hình thành Thánh thi này. Trong đó, tác giả xác tín rằng truyền thống sùng kính Đức Maria trong lịch sử Giáo hội từ ban đầu chính là cơ sở cho sự ra đời của bài Thánh thi vào thời trung cổ, giai đoạn được xem là “cao điểm và vàng son” của lòng sùng mộ Đức Maria. Bên cạnh đó, tác giả cũng trình bày nền tảng Kinh Thánh các tước hiệu của Đức Maria được kêu cầu trong Thánh thi này. Cuối phần 1, tác giả trích dẫn những phê bình chỉ trích của Martin Luther và phái Tin Lành nhắm vào Thánh thi Salve Regina và nỗ lực loại bỏ Thánh thi này ra khỏi Phụng vụ của Tin Lành.
Trong phần hai, tác giả chú giải bài Thánh thi Salve Regina dưới ánh sáng của Kinh Thánh, giáo huấn của các giáo phụ và các Giáo hoàng qua các thời kỳ, mới nhất là Công đồng Vatican II trong Hiến chế Lumen Gentium (ánh sáng muôn dân), cùng với đó là trích dẫn của nhiều vị thánh và các học giả Công giáo. Trọng tâm của phần này là các lời kêu cầu Đức Maria: “vita – sự sống, dulcedo – sự ngọt ngào, và avocata nostra – trạng sư của chúng con”. Cách trình bày của tác giả với nền tảng Kinh Thánh cùng với truyền thống và giáo huấn của Giáo hội rất rõ ràng và chắc chắn.
Trong phần ba, phần trọng tâm của luận án, tác giả xoáy vào lời kêu cầu Đức Maria là “spes nostra – niềm hy vọng của chúng con”. Bằng lập luận của mình, tác giả muốn cho thấy rằng, lời kêu cầu này không mâu thuẫn với giáo lý bất biến của Giáo hội: Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ và là niềm hy vọng cứu rỗi duy nhất. Trước hết, tác giả tìm hiểu ý nghĩa của từ “spes – hy vọng” từ khía cạnh thông thường đến triết lý và sau cùng là thần học cứu độ mà trọng tâm chính là Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng duy nhất của đức tin Kitô giáo. Bằng lập luận giải thích, tác giả cho thấy tước hiệu của Đức Maria “spes nostra – niềm hy vọng của chúng con” không thể so sánh với niềm hy vọng – đức cậy mà chúng ta đặt nơi Đức Giêsu Kitô. Nghĩa là, niềm hy vọng chúng ta đặt nơi Đức Maria không phải là một nhân đức đối thần như Đức Cậy. Tóm lại, khi kêu cầu Đức Maria là “niềm hy vọng”, các tín hữu không xem Mẹ là “đấng cứu độ có khả năng cứu rỗi con người khỏi tội lỗi”. Đúng hơn, lời kêu cầu này cậy dựa vào vị thế Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Vì Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa và đầy ân sủng, nên lời kêu cầu của Mẹ sẽ được Thiên Chúa lắng nghe. Bởi đó, Mẹ trở thành trung gian, cầu nối đưa con người đến với Đức Kitô (per Mariam ad Jesum – Nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa Giêsu).
Trong lời kết, tác giả trích dẫn một lời chỉ trích của Martin Luther mà trong đó Luther công nhận vị thế cao cả và vai trò quan trọng của Đức Maria trong đời sống thiêng liêng. Và qua đó, tác giả chốt hạ vấn đề bằng chính lời khẳng định của người phê bình: Đức Maria xứng đáng được ca ngợi và tôn kính.
Bằng việc cho điểm tuyệt đối bài nghiên cứu này, tôi xác nhận rằng, luận án được trình bày rất rõ ràng mạch lạc. Tác giả đã có sự đầu tư nghiên cứu công phu, do đó bài viết chứa đựng nhiều kiến thức giá trị. Tôi cảm nhận được trong đó niềm vui và sự xác tín của tác giả khi thực hiện nghiên cứu này. Tôi đánh giá cao nghiên cứu này và vui lòng giới thiệu đến mọi người.
Heiligenkreuz, ngày 24/04/2023
Wolfgang Klausnitzer
Nhận xét và giới thiệu của cha Dr. Wolfgang Klausnitzer,
Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo hoàng Benedict XVI – Heiligenkreuz