Giáo trình này ra đời nhằm góp phần cung cấp cho học viên những khung nền cốt lõi của thần học từ thời hiện đại đến nay. Trong giáo trình này, học viên sẽ được làm quen với các vấn đề đặt ra trong lịch sử Kitô học, đồng thời cũng là những vấn đề lớn của toàn thần học; học viên cũng sẽ làm quen với cách tiếp cận Kitô học hiện nay là nghiên cứu lịch sử về Đức Kitô Giêsu, tìm hiểu xem Ngài là ai, nói gì và làm gì (nói cách khác, là tìm hiểu sứ điệp, hành vi và chính căn tính bản vị của Ngài). Để đạt được điều đó, học viên sẽ làm quen với các quan niệm, nguyên tắc và kết quả của các tác giả thuộc trào lưu phê bình lịch sử khi họ nghiên cứu về Chúa Giêsu trong các sách Phúc Âm.
Giáo trình này mang tên Dẫn Nhập Kitô Học, vì không phải là một chuyên khảo thực sự có tính nghiên cứu, cũng không đi sâu vào từng chủ đề, mà chỉ trình bày cách khái quát các vấn đề, các cách tiếp cận và các kết quả nghiên cứu trong lãnh vực Kitô học, kèm theo một số giải thích, lượng định và đánh giá. Tuy nhiên, sự khác biệt mà giáo trình này mong muốn mang lại, là các giải thích mang tính sư phạm mà chúng tôi đã đúc kết được qua nhiều năm tương tác và lắng nghe các học viên thần học ở Việt Nam. Vì thế, giáo trình này không chỉ gom góp từ các tài liệu khác nhau các thông tin về Chúa Giêsu cũng như về Kitô học, mà còn chứa đựng các lập luận, giải thích phù hợp với não trạng và bối cảnh người Việt, nhằm mục đích dẫn đưa học viên thực sự làm quen với việc “làm” thần học chứ không chỉ “học gạo” thần học mà thôi.
Cấu trúc của giáo trình này phỏng theo cấu trúc chung của các giáo trình Introduction to Christology hiện nay, nhưng sẽ được chia thành từng bài và các mục nhỏ ngắn gọn nhằm phù hợp với việc dạy học và giúp học viên dễ nắm bắt. Ngoài ra, tiếp theo giáo trình này, hy vọng sẽ có một giáo trình khác, trình bày chuyên biệt về mầu nhiệm Làm Người và cứu độ.