Thương hiệu hiện nay đang trở thành một tài sản chiến lược then chốt, cung cấp lợi thế cạnh tranh bền vững cho đơn vị. Dù công việc kinh doanh là sản xuất ra hàng hóa, hay cung cấp dịch vụ; dù là một tập đoàn lớn, một hộ kinh doanh hay một tổ chức bất kỳ, thì thương hiệu luôn là nhân tố chi phối sự thành công hay thất bại. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam và thu được nhiều lợi nhuận thông qua quá trình: xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu và chuyển giao thương hiệu. Thành công trong quản trị thương hiệu chiến lược chính là thành công của đơn vị. Giáo trình Quản trị thương hiệu chiến lược được biên soạn trong sự phối hợp đan xen giữa lý thuyết nền tảng cùng với việc cập nhật những ví dụ minh họa, tình huống thực tiễn đang diễn ra trong các tổ chức/doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp/tổ chức tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Giáo trình này trình bày các vấn đề đương đại trong nghiên cứu và ứng
dụng quản trị thương hiệu chiến lược nhằm phục vụ người đọc tự học và tự nghiên cứu, đáp ứng chuẩn đầu ra cho việc tham gia học tập, kiểm tra và thi cuối kỳ các môn học: Quản trị thương hiệu (bậc đại học), Quản trị thương hiệu chiến lược (bậc sau đại học), cụ thể như sau:
• Giải thích được những kiến thức căn bản về quản trị thương hiệu chiến lược (chương 1, 2);
• Vận dụng được lý thuyết và kiến thức cốt lõi để thực hiện các bước trong tiến trình xây dựng và marketing thương hiệu (chương 3, 6);
• Phân biệt được các mô hình kiến trúc thương hiệu, phân tích được các ưu nhược điểm và biết được các cách thức lựa chọn mô hình kiến trúc thương hiệu phù hợp với tình hình thực tiễn tại một doanh nghiệp (chương 4);
• Tổng hợp được các kiến thức đã học để quản trị danh mục thương hiệu, đo lường và quản lý tài sản thương hiệu và khai thác giá trị thương hiệu bằng các cách thức khác nhau (chương 2, chương 5, chương 7, chương 8);
• Có năng lực thực hành công việc và nghiên cứu các vấn đề cơ bản liên quan đến quản trị thương hiệu chiến lược (tất cả các chương);
• Có tinh thần trách nhiệm, cam kết thực hiện mục tiêu chung với chất lượng cao nhất có thể, có tinh thần kỷ luật và tự giác đối với các hoạt động quản trị thương hiệu chiến lược (tất cả các chương);
• Đối với người học sau đại học (tất cả các chương):
+ Đánh giá và đề xuất được các hoạt động quản trị thương hiệu chiến lược tại đơn vị;
+ Tổng hợp, đánh giá được các nghiên cứu, mô hình có liên quan trước đây về quản trị thương hiệu chiến lược và đề xuất được hướng nghiên cứu trong tương lai.