Gió lạnh đầu mùa tập hợp toàn bộ những tác phẩm trong tập truyện ngắn Gió đầu mùa của nhà văn Thạch Lam, cuốn sách bao gồm các truyện: Đứa con đầu lòng, Nhà mẹ Lê, Trở về…Trong những truyện ngắn của ông người ta thấm thía nỗi khổ đau, bất hạnh, hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, thiêng liêng.
Khi giới thiệu về tập truyện ngắn Gió đầu mùa, Thạch Lam viết rằng: "Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".
Quả thực Thạch Lam đã rất trung thành với triết lý viết văn này và từng trang truyện của ông đều hướng về lớp người lao động bần cùng trong những khung cảnh ảm đạm, heo hút. Một mẹ Lê góa bụa, nghèo khổ phải nuôi một đàn con đông đúc, một bác Dư làm phu xe ở phố hàng Bột, cô Tâm hàng xén trong buổi hoàng hôn... Thạch Lam không gắn nhân vật với những sự kiện bi thảm hóa hoàn cảnh của họ nhưng cũng không khoác lên họ "một thứ ánh trăng lừa dối". Chính vì vậy, tác phẩm của Thạch Lam giữ được chất hiện thực nhưng không quá bi kịch như Lão Hạc, Chí Phèo... của Nam Cao.
Thạch Lam Sinh (1910 - 1942) tên thật là Nguyễn Tường Vinh, là nhà văn Việt Nam nổi tiếng thời tiền chiến. Trong 32 năm tại thế ngắn ngủi, Thạch Lam đã lưu lại dấu ấn không thể phai mờ trên văn đàn. Sau khi đỗ Tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam thôi học, bắt đầu làm báo và trở thành thành viên chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn, bên cạnh hai người anh trai là nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo. Ban đầu, Thạch Lam phụ trách biên tập cho hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay của văn đoàn, về sau trở thành chủ bút của tờ Ngày nay. Cuối thập niên 1930, Thạch Lam ra mắt các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), và truyện dài Ngày mới (1939).
Văn phong Thạch Lam nổi bật với những câu chữ dịu dàng, tình cảm, thâm trầm và sâu sắc. Ngòi bút Thạch Lam hướng đến những phận đời đau khổ trong xã hội, đặc biệt là những nỗi đau về mặt tinh thần của người trí thức trong xã hội Việt Nam trước năm 1945. Ngoài sở trường truyện ngắn, Thạch Lam còn viết bình luận văn học với tập Theo giòng (1941). Tùy bút Hà-nội băm sáu phố phường của Thạch Lam được nhà xuất bản Đời Nay in năm 1943, một năm sau khi tác giả mất vì căn bệnh lao phổi.