Trong các câu chuyện kể của Elena, ta cảm nhận sự biến chuyển không ngừng của tâm thức dù là trong im lặng. Ngần ấy trang viết chan chứa những tình cảm sâu lắng về tình yêu, về số phận con người, về sự mong manh vô thường của kiếp người. Elena diễn tả tất cả triết lý nhân sinh bằng một bút pháp nhẹ nhàng dung dị nhưng tràn đầy cảm xúc, sâu lắng và không kém phần uyên áo trong tư duy của một ngòi viết am hiểu những nguyên lý căn bản về đạo Phật.
Và Elena đã trân trọng mô tả, ghi chép lại tất cả tình yêu thương dành cho gia đình, công việc, cộng đồng và thế giới xung quanh bằng trí tuệ mẫn tiếp và ngòi bút tài hoa của mình. Hãy đọc “Hạt bụi lênh đênh” và cảm nhận tinh thần ấy.
Nhận xét dành cho cuốn sách Hạt Buị Lênh Đênh
"Đọc truyện này, rồi đọc truyện kia, chắc hẳn nhiều người như tôi, thỉnh thoảng lật lại cái bia để kiểm chứng lại coi bài viết này văn phong họ phải chăng của một người ngoại quốc. Kiểm chứng lại vì tôi thấy như là cây bút của người Việt Nam thuần túy. Câu chuyện Việt Nam, bối cảnh Việt Nam, nỗi đau thương Việt Nam, những éo le tinh tiết Việt Nam. Tấm lòng của tác giả tràn đầy xúc cảm Việt Nam. Và nhứt là văn phong Việt, thuần Việt..." - Nhà văn Nguyễn Văn Sâm
"... Cảm ơn duyên do văn chương đã cho tôi biết một phong vị nữ tính Ý đậm đà ở giữa Sài Gòn bận rộn. Để hiểu thêm một đất nước, để hiểu thêm một chọn lựa, để hiểu thêm một cách sống, để hiểu thêm một người đàn bà mẫu số chung với đàn bà..." - Nhà văn Dạ Ngân
"Nhà văn Trần Hữu Hội đã từng có một nhận định rất chính xác về Elena: Chị chọn định cư ở nước ngoài không vì mục đích kinh tế, chính trị, mà là vì tình yêu, đơn-thuần-vi-tinh-yêu. Tình yêu đã khiến chị đi ngược so với nhiều người, chấp nhận một đời sống vật chất và tiện nghỉ thua kém xa quê mẹ, để rồi thích nghi và yêu mến quê chồng như chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Từ tình yêu với một người, Elena yêu muôn người; từ tình yêu với mảnh đất Bình Định quê chồng, chị yêu luôn cả đất nước Việt Nam: từ tình yêu với “bánh ít lá gai”, chị yêu luôn cả mắm ruốc tương cả... Elena đã đi ngược. Nhưng đi ngược để xuôi dòng." - Nguyễn Thị Tịnh Thy