Năm 1971, Daniel Ellsberg trở thành người khiến "cả nước Mỹ kinh hoàng" và bị giới cầm quyền Mỹ lúc ấy xem là "người nguy hiểm nhất nước Mỹ" khi ông công bố 7.000 trang tài liệu thuộc loại tối mật của Lầu Năm Góc phơi bày toàn bộ sự thật về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Việc làm này của ông đã góp phần làm thay đổi chủ trương của Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong những năm về sau.
Được viết dưới dạng hồi ký, cuốn sách Hồ sơ mật Lầu Năm Góc và hồi ức về chiến tranh Việt Nam (Sách tham khảo) của Daniel Ellsberg đã cho ta cái nhìn đầy đủ hơn với những góc khuất của cuộc chiến tranh mà người Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Từ nguồn tài liệu cấp 1, với thái độ trung thực, nhãn quan chính trị nhạy bén và kỹ năng phân tích sắc sảo, Daniel Ellsberg đã dựng lại bức tranh sống động về đời sống nước Mỹ kể từ năm 1964, động thái (gồm cả trung thực và dối trá) của các hoạt động tại Nhà Trắng và những con người trong đó, sự thiệt hại, mức độ tàn bạo và xu thế thất bại không tránh khỏi của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nó là một khoảng trống chưa được lấp kín trong bản đồ nghiên cứu của chúng ta về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cuốn sách chia làm 4 phần với 32 chương, lối viết mạch lạc, thể hiện một khả năng quan sát tinh tế, một kỹ năng phân tích sắc sảo và những kiến giải rất đáng nể. “Trong nhiều năm tôi đã chứng kiến Tổng thống có thể nói dối hiệu quả ra sao về các chính sách của mình với giả định an toàn là những lời nói dối đó không bị vạch trần. Giả định đó dựa vào lòng trung thành của các thuộc cấp với ông ấy, với sếp của họ, với “sinh mệnh chính trị” của họ, và dựa vào sức mạnh của những lời hứa, lời tuyên thệ giữ bí mật của họ, dù thứ phải che đậy có là gì và tác động hiển nhiên của việc che đậy có là thế nào” (tr.294).
Hay một đoạn mô tả: “Cửa vừa mới đóng sau lưng chúng tôi thì một tiếng “bùm” khác ở ngay bên ngoài và tường nhà rung chuyển. Chiếc đèn Coleman rung lắc dữ dội trên giá, bóng của nó xoay tròn. Một mặt của tấm bảng treo bản đồ rời ra và rơi xuống bàn. Cà phê trong cốc sắt tây đổ lênh láng ra bàn. Chúng tôi loạng choạng ngã vào nhau khi túp lều rung chuyển…” (tr.210-211). Hoặc sau một tháng đặt chân đến Việt Nam, D. Ellsberg viết cho bạn bè với nhận xét rất riêng: “Tôi đã phải lòng trẻ em Việt Nam. Tôi chưa từng thấy nơi nào trên thế giới mà trẻ em vui vẻ, thân thiện và ngộ nghĩnh đến thế. Chúng khiến tôi nhớ về thời thơ ấu của mình” (tr.153).
Là một sĩ quan quân đội Mỹ, hẳn nhiên trong cuốn hồi ký của Daniel Ellsberg sẽ có những nhận định, kết luận mang tính chủ quan, phiến diện, không phù hợp với quan điểm của chúng ta. Song để bạn đọc tiện theo dõi, có thể tiếp cận gần nhất với tác phẩm, Nhà xuất bản cố gắng bám sát bản gốc trong quá trình dịch và biên tập cuốn sách.
Cuốn sách xuất bản năm 2002 tại Mỹ và từng được xuất bản tại Việt Nam năm 2006. Đây cũng là một cuốn sách gây chấn động dư luận nước Mỹ và trở thành cuốn sách bán chạy nhất khi được xuất bản năm 2002.