Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được chính mình nếu chúng ta không hiểu bản tính người đã tiến hóa ra sao, và không thể hiểu nó tiến hóa ra sao nếu không hiểu t.ình d.ục ở loài người đã phát triển như thế nào.
Hơn 2000 năm đi sâu tìm hiểu bản tính con người nhưng dường như đề tài này vẫn chưa cạn đối với các nhà khoa học. Nhà khoa học Matthew White Ridley, bằng những công cụ sắc bén của bộ môn sinh học xã hội và kế thừa những nghiên cứu khoa học của những đồng nghiệp đi trước, trong cuốn sách “Hoàng Hậu Đỏ - Tình Dục Và Sự Tiến Hóa Của Bản Tính Người”, ông đã dẫn dắt người đọc đi sâu tìm hiểu bản chất của bản tính người.
Cuốn sách “Hoàng Hậu Đỏ - Tình Dục Và Sự Tiến Hóa Của Bản Tính Người” gồm 10 chương, chia nội dung làm 2 phần tiến hóa và bản tính người. Ba phần đầu tiên của cuốn sách này là nói về tiến hóa, vì hiểu biết nền tảng về tiến hóa là quan trọng. Nhưng nếu như không thích các vấn đề về Gen thì các bạn cũng có thể tiến tới ngay các phần sau giải đáp hàng tá các thắc mắc rất thực tế trong xã hội về bản tính người, như: về sự khác biệt giữa giới tính nam và nữ, bản chất t.ình d.ục ở loài người, t.ình d.ục đồng giới, bản tính đàn ông và chế độ đa thê, bản tính nữ và chế độ một vợ một chồng hay tại sao đàn ông giàu có lại kết hôn với phụ nữ xinh đẹp?...
Cái tên “Hoàng Hậu Đỏ” trong tiêu đề là dựa theo tên một quân cờ mà Alice gặp trong truyện “Thế giới trong gương”. Hoàng Hậu Đỏ là nhân vật cứ chạy mải miết không nghỉ mà vẫn không tiến được bao xa vì cảnh vật xung quanh cũng di chuyển cùng với nó. Bạn chạy càng nhanh, thế giới chuyển động cùng bạn càng nhanh và tiến bộ mà bạn đạt được càng ít. Cuộc đời là một cuộc thi đấu cờ mà nếu bạn thắng ván này thì đến ván sau bạn phải chấp đối thủ một con tốt. Đây là một ý tưởng ngày càng có ảnh hưởng trong thuyết tiến hóa và ta sẽ gặp lại nó nhiều lần xuyên suốt cuốn sách này.
Quy tắc Hoàng Hậu Đỏ sẽ thể hiện hết sức rõ rệt trong quan hệ giữa thú săn mồi và con mồi, giữa những vật ký sinh và vật chủ, giữa con đực và con cái của cùng một loài. Mọi sinh vật trên Trái Đất đều tham gia vào cuộc thi đấu cờ theo quy tắc Hoàng Hậu Đỏ với những vật ký sinh(hay vật chủ) của mình, với những con thú săn mồi (hay con mồi) của mình, và trên hết, với bạn tình của mình.
Nếu bạn là một người yêu thích khoa học, sinh học tiến hóa, hay chỉ quan tâm đến vấn đề bản chất giới tính của đàn ông và phụ nữ trong các mối quan hệ xã hội, tình yêu, bạn tình, vợ chồng,… cuốn sách này là dành cho bạn!
Trích dẫn:
"Khám phá và mô tả bản tính người, tìm hiểu xem nó khác bản tính của các động vật khác như nào là một nhiệm vụ thú vị không kém những nhiệm vụ khác mà khoa học đang đối mặt; nó cũng ngang tầm với việc nghiên cứu nguyên tử, gen và nguồn gốc vũ trụ. Thế nhưng khoa học vẫn khăng khăng né tránh thách đố này."
"Trò chơi cờ vua sẽ thu hút đến thế nào nếu tất cả các quân cờ có đam mê và có trí năng, ít nhiều nhỏ bé và mưu mô; nếu bạn không chỉ không chắc chắn về đối thủ mà còn có chút không chắc chắn về bản thân mình..."
Trích đoạn:
Quy tắc Hoàng Hậu Đỏ không hiện diện trong mọi sự kiện tiến hóa. Hãy lấy ví dụ về loài gấu Bắc cực có bộ lông trắng và dày. Bộ lông dày là bởi vì tổ tiên gấu Bắc cực nào chịu lạnh tốt hơn thì sẽ sống sót tốt hơn để sinh sản. Như vậy có một quá trình tiến hóa tương đối đơn giản: lông cứ ngày càng dày hơn và gấu ngày càng cảm thấy ấm hơn. Lớp lông cách nhiệt ở gấu ngày càng dày hơn nhưng cái lạnh không vì thế mà trở nên ghê gớm hơn. Nhưng lông gấu có màu trắng vì nguyên nhân khác: ngụy trang. Gấu trắng có thể bí mật tiến lại gần hải cẩu dễ dàng hơn nhiều so với gấu nâu. Chắc là thuở xưa gấu từng dễ dàng tiến lại gần lũ hải cẩu Bắc cực bởi vì hải cẩu không hề sợ kẻ thù nào trên băng, hệt như ngày nay lũ hải cẩu Nam cực nằm trên băng mà hoàn toàn không biết sợ là gì. Vào ngày ấy, lũ gấu tiền Bắc cực dễ dàng bắt được hải cẩu. Nhưng chẳng bao lâu sau, những con hải cẩu nhút nhát, hay hoảng sợ có cơ hội sống lâu hơn những con hải cẩu cả tin, nên dần dần hải cẩu ngày càng thận trọng hơn.
Đời sống của loài gấu trở nên khó khăn hơn. Lũ gấu phải rón rén tiến lại gần hải cẩu, nhưng hải cẩu vẫn dễ dàng nhận ra những con gấu đang tiến đến. Cho đến một ngày (có thể không đột ngột như thế, nhưng về nguyên tắc thì vẫn vậy), do đột biến ngẫu nhiên, một con gấu đẻ ra đàn con màu trắng chứ không phải màu nâu như thường lệ. Loại gấu này phát triển và sinh sôi nảy nở vì hải cẩu không nhận thấy khi gấu tiến đến. Nỗ lực tiến hóa của hải cẩu lại trở nên công cốc; chúng lại lùi về điểm xuất phát. Quy tắc Hoàng Hậu Đỏ vận hành như thế đấy.
Nhận xét:
“Hoàng hậu đỏ buộc chúng ta phải suy nghĩ lại mọi thứ từ sự tồn tại dai dẳng của phân biệt giới tính đến sự bền bỉ của tình yêu lãng mạn.”
“Một cuốn sách tuyệt vời, dí dỏm và sáng suốt, và chứa đầy những phỏng đoán khiêu khích.” - Wall Street Journal
Matt Ridley Sinh năm 1958 là nhà khoa học, nhà báo và doanh nhân người Anh. Ông nổi tiếng với các bài viết về khoa học, môi trường và kinh tế, thường xuyên cộng tác với tờ The Times.