Ngày nay, ai có để ý đến rừng sách cũ nước nhà, chắc đã đọc qua, hoặc đã trông thấy, hay đã nghe nói đến bộ Ngô gia văn phái. Đó là một lô sách riêng của họ Ngô Thì làng Tả Thanh Oai. Toàn bộ rất hùng vĩ, có thể đứng sau cái kho tác phẩm của Lê Quý Đôn.
Hoàng Lê nhất thống chí chính là một tập trong bộ sách đó. Cũng như các tập khác của Ngô gia văn phái, sách này chỉ có bản viết, không có bản in. Trong những bản lưu truyền đến nay, có bản lại đề tên là An Nam nhất thống chí. Tên tuy khác, nội dung vẫn đúng như nhau, toàn tập có mười bảy hồi…
Tuy rằng thể tài của nó theo lối diễn nghĩa, mỗi hồi đều khởi đầu bằng hai câu mào, và kết thúc bằng hai câu thơ, giống như tiểu thuyết của Tàu, nhưng nội dung thì là một bộ truyện chí, chép toàn sự thật, không bịa đặt, không tây vị. Như việc Ngô Thì Nhậm bị Trần Danh Án nói mỉa trong khi ông này định gọi ông kia về làm tôi nhà Tây Sơn, ở đây cũng có chép rõ.
Bởi nó là thứ truyện chí, chép những sự thật, có thể giúp cho chính sử, vả lại, công việc trong hồi Lê mạt, chỉ có tập này ghi lại tường tận mà thôi, cho nên các nhà chép sử sau này đều có dùng làm tài liệu. Với giá trị ấy, sách này rất đáng tồn tại sau khi chữ Hán đã hết ở đất Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà có bản dịch sau đây.
Một điều nên nói thêm là: Trong bản dịch này, tôi vì muốn nó khỏi bị liệt vào hạng tiểu thuyết, cho nên, về việc chia thiên, không theo nguyên văn, gặp chỗ dứt mạch thì ngắt ra làm một đoạn, bất kì dài ngắn, và những câu mào ở đầu hồi, câu thơ ở cuối hồi, đều bỏ không dịch, thỉnh thoảng gặp chỗ mạch văn không tiếp tục, cũng có thêm bớt vài chữ cho khỏi ngớ ngẩn.
Làm vậy, tôi cũng biết là đắc tội với cổ nhân. Bởi muốn tăng thêm phẩm giá của nguyên văn, khiến cho người ta biết nó là bộ truyện chí, quan hệ với sử học giới, nên tôi không tránh lỗi đó.