Triều Nguyễn là vương triều cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam gắn liền với nhiều biến cố quan trọng của lịch sử dân tộc. Trong 143 năm tồn tại (1802-1945), vương triều Nguyễn cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là giai đoạn trị vì của Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức từ năm 1802 đến năm 1883. Trên thực tế, Gia Long lên ngôi đã ra sức củng cố chính quyền về mọi mặt và hoàn thành việc thống nhất đất nước sau hơn hai thế kỉ bị chia cắt, phân liệt. Minh Mệnh với công cuộc cải cách của mình đã đưa triều Nguyễn bước sang một giai đoạn mới, đặc biệt là đã khẳng định chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tự Đức cũng có nhiều chính sách quan trọng trong việc phát triển văn hóa của đất nước. Giai đoạn lịch sử này cũng ghi nhận những thách thức to lớn đặt ra đối với vương triều Nguyễn. Trong đó, việc đối diện với nguy cơ bị xâm lược bởi thực dân phương Tây là thách thức lớn nhất. Đứng trước mối đe dọa đó, các hoàng đế triều Nguyễn đều có ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia và nỗ lực tìm kiếm đường hướng giải quyết với mong muốn ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xâm lược từ thực dân phương Tây cũng như giữ vững trật tự xã hội. Nhưng cuối cùng những nỗ lực trên chưa đạt được hiệu quả như kì vọng. Điều đó đã khiến cho Việt Nam bị rơi vào tay thực dân Pháp vào cuối thế kỉ XIX.