GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaigneau (1803-1894)
Tác phẩm ghi lại những ký ức về kinh thành Huế của một người mang hai dòng máu Pháp – Việt. Thông qua hồi ức này, người đọc ngày nay có thể hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế xưa và vùng lân cận, với toàn bộ đời sống sinh hoạt từ hoàng cung cho tới làng quê bình thường, tiếp cận thêm một tài liệu đáng tin cậy đã vẽ lên bức tranh về Huế xưa, góp phần tìm hiểu mối quan hệ Pháp – Việt đa chiều, với những góc cạnh đặc thù. Từ đó cho ta thêm hình dung, thêm lý giải về những đụng độ va chạm sau này trong mối bang giao Pháp – Việt đầy duyên nợ.
Như trong lời giới thiệu cho lần xuất bản này, đại diện của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế có viết: “Từ bao lơn Biển Đông, khát vọng canh tân xứ sở đã kết mối duyên nợ Việt – Pháp với bao thăng trầm. Khơi nguồn lịch sử và văn hóa Việt – Pháp, từ những góc nhìn, mảnh ký ức rời rạc như Souvenir de Huế của M. Đức Chaigneau, những mong góp thêm chút bút mực để phác họa rõ nét hơn bức chân dung lịch sử và văn hóa Đại Nam, để thêm yêu Tổ quốc Việt Nam hôm nay.”
CẢM NHẬN CỦA ĐỘC GIẢ VỀ CUỐN SÁCH:
“Từ bao lơn Biển Đông, khát vọng canh tân xứ sở đã kết mối duyên nợ Việt – Pháp với bao thăng trầm. Khơi nguồn lịch sử và văn hóa Việt – Pháp, từ những góc nhìn, mảnh ký ức rời rạc như Souvenir de Huế của M. Đức Chaigneau, những mong góp thêm chút bút mực để phác họa rõ nét hơn bức chân dung lịch sử và văn hóa Đại Nam, để thêm yêu Tổ quốc Việt Nam hôm nay.” – Tiến sĩ Trần Đình Hằng.
“Người xưa không còn, may mắn cho người đọc, và người dịch, là cảnh cũ vẫn còn : Kinh thành triều Nguyễn vẫn còn đó, những danh lam thắng cảnh đất Thần Kinh và kiến trúc dân gian vẫn còn đó. Dù không được toàn vẹn nhưng ngày nay vẫn còn có thể tham khảo và nỗ lực dõi theo con mắt người xưa để nắm hiểu phần nào đó những dòng mô tả thật tỉ mỉ chính xác của Hồi ức: những ngôi nhà ở phố Bao Vinh chẳng hạn, với hai cửa hàng ở mặt tiền, với một lối đi xuyên suốt hết chiều dài của ngôi nhà (t.194). Nhưng cảnh phố thị nhộn nhịp người Việt người Hoa nay đã khác” – Dịch giả Lê Đức Quang.
Michel Đức Chaigneau (1803 – 1894) mang 2 dòng màu Pháp – Việt khi có cha là một vị quan người Pháp, mẹ là người họ Hồ vùng Phường Đúc, Huế. Ông chào đời và lớn lên tại Kinh thành Huế trong hơn hai mươi năm đầu của thế kỷ XIX, dưới hai triều đại của nhà Nguyễn đầu tiên: suốt thời gian trị vì của vua Gia Long và 5 năm đầu của thời gian trị vì thời vua Minh Mạng.
VỀ DỊCH GIẢ LÊ ĐỨC QUANG
Tú tài Pháp, Tú tài Việt (1972). Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Huế (1972-1976)
Giảng viên Đại học Huế (năm 1976 đến nay)
Tốt nghiệp Trường Biên-Phiên dịch Cao cấp ESIT (ĐH Paris 3 – Sorbonne Nouvelle)
Master về Biên-Phiên dịch Hội nghị (1993-1996), Master về Lý thuyết dịch (2001-2002)
Tiến sĩ ngành Lý thuyết Dịch (ĐH Charles De Gaulle – Lille 3)
---------------------
NỘI DUNG CUỐN SÁCH
Lời giới thiệu Kinh thành Huế: tâm điểm của vấn đề tiếp xúc, giao lưu văn hóa Đông – Tây
Hồi ức về Kinh thành Huế: Hoàng cung của ký ức hay mê cung của hồi tưởng
Hồi ức về Kinh thành Huế của một người Pháp về xứ An Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX.