Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ kí họa, Phạm Thanh Tâm khi ấy mới ở độ tuổi đôi mươi. Có mặt tại nhiều điểm nóng của mặt trận, với cuốn sổ ghi chép nhỏ, người họa sĩ trẻ đã tường thuật một cách sống động và chân thực chặng đường hành quân cùng 55 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta. Đó cũng là hành trình trưởng thành của một người thanh niên, dưới làn mưa bom lửa đạn vẫn luôn giữ được khiếu hài hước và lòng trắc ẩn.
“… Những bức kí họa của Phạm Thanh Tâm là tư liệu hiếm hoi còn sót lại từ chiến trường. Những hình ảnh mong manh trên những trang sổ tay khiến ta cảm nhận được tài hoa phác họa cái đẹp của một họa sĩ trẻ trung trong một trận chiến mà nhà báo Bernard B. Fall gọi là ‘một góc địa ngục’.” – Nhà xuất bản Asia Ink
—
Họa sĩ PHẠM THANH TÂM sinh năm 1932 tại Hải Phòng, quê gốc Nam Định. Ông theo học một trong những khóa Mĩ thuật kháng chiến đầu tiên được mở ở chiến khu, với sự dìu dắt của các họa sĩ bậc thầy Mai Văn Nam, Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái… Mười bảy tuổi, Phạm Thanh Tâm nhập ngũ và trở thành phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ trong cả hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc: Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mĩ. Ông từng tham gia các chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Khe Sanh (1968). Ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
Các tác phẩm của ông hiện là một phần trong bộ sưu tập tranh thời chiến của Bảo tàng Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Bảo tàng Anh Quốc.
Ảnh bìa – tranh của Phạm Thanh Tâm: Người chiến sĩ trên đường ra mặt trận, Điện Biên Phủ, 1954, Bút sáp trên giấy, 32×20 cm, bộ sưu tập của Bảo tàng Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.